VỀ NGUỒN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VN

1. Thời kỳ khai nguyên (1533 - 1659)

  • Cuối thế kỷ XV, các nhà thám hiểm đã đặt chân tới những miền xa xăm trước đây chưa ai biết đến. Họ đi vòng quanh thế giới, theo sau là các nhà buôn với những thương thuyền hùng hậu nhất thời đó của Tây Ban Nha và Hoà Lan. Các ông chủ mặt biển này đã vượt trùng dương sang tận vùng Đông Nam Á để buôn bán hàng hoá và thương mại. Trong điều kiện giao thông này đã giúp các Thừa Sai Công Giáo thực hiện được mộng ước của họ là mang Tin Mừng đến tận chân trời xa xăm và vào Việt Nam, giữa thời kỳ Đất Nước đang bị phân hoá vì nội chiến. Đầu thế kỷ XVI Nhà Lê bắt đầu suy tàn với lớp gian thần và hôn quân như vua Lê Vi Mục và vua Lê Tương Dực. Năm 1527, lấy danh nghĩa phò vua Lê Chiêu Tông, quyền thần Mạc Đăng Dung dẹp nội loạn trong Triều rồi cướp ngôi nhà Lê, lập ra Nhà Mạc. Bấy giờ ông Nguyễn Kim (con cựu thần Nguyễn Hoàng Dụ) đang ở biên trấn, ông chiêu mộ quân binh cùng các chiêu thần nhà Lê đứng lên diệt Mạc dựng lại Nhà Lê. Không bao lâu, Nguyễn Kim lấy lại được đất Thanh Hoá trở vào Thuận Hoá, dựng lại nhà Lê. Đất nước lại chia đôi thành Nam, Bắc Triều. Họ Mạc hùng cứ từ Ninh Bình trở ra Bắc lại được Nhà Minh Trung Hoa che chở để phân hoá Đại Việt. Ít lâu sau, tướng Nguyễn Kim bị tên hàng tướng của nhà Mạc đầu độc chết, con rể ông là Trịnh Kiểm thay thế tiếp tục phò Lê, Bắc tiến. Năm 1583, Trịnh Kiểm lấy lại Thăng Long rước vua Lê về kinh đô lên ngôi chính vị. Tuy nhiên , họ Trịnh từ lâu đã có ý cướp ngôi nhà Lê. Để trừ hậu hoạ, Trịnh Kiểm mưu giết Nguyễn Uông là con Nguyễn Kim ý muốn cướp ngôi đã rõ, họ Trịnh còn cho người đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin vấn kế. Trạng Trình không nói gì mà chỉ đọc một câu dụ ngôn ý khuyên Trịnh nên dựa vào cái hư vị vủa Nhà Lê mà hưởng công danh phú quý đời đời. Trịnh nghe theo nên chỉ xưng Vương, buộc Vua Lê phải phong Trịnh làm Thượng Phu, Tổng Quốc Chính, nắm trọn quyền bính trong tay, lập Phủ Chúa tức Phủ Liêu với nghi vệ của bậc Đại Vương còn Vua Lê chỉ còn là hư vị, chỉ được hưởng lương bổng do Chúa Trịnh quy định. Từ đó, nước Đại Việt có Vua lại có Chúa. Kế nghiệp Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng lên ngôi Chúa, quyền huynh thiên hạ, dồn họ Mạc lên Cao Bằng. Năm 1592, bắt được Mạc Hậu Hợp đem về Thăng Long chém đầu.

  • Về họ Nguyễn thì sau khi anh là Nguyễn Uông bị giết, Nguyễn Hoàng dự đoán trước sau ông cũng bị hại, ông nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm xin cho em vào trấn thủ Thuận Hoá, lại ngầm sai người đến vấn kế Trạng Trình thì Trạng chỉ vào hòn non bộ, nói: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một giải Hoành Sơn dung thân muôn đời). Nguyễn Hoàng được Vua Lê thuận cho vào phương Nam trấn thủ miền địa đầu của Đất Nước, ông về Thanh Hoá đem theo các thủ hạ thân tín, đồng hương cả các đồng tộc vào Quảng Trị, lập Dinh ở Ái Tử sau gọi là Chính Dinh, thủ phủ của phương Nam.

  • Giai đoạn đầu, Nguyễn Hoàng vẫn giữ danh vị Trấn Thủ, được Vua Lê phong tước Công, ông củng cố Thuận Quảng, xây thành đắp luỹ sau ra mắt công khai chống Trịnh. Cuộc nội chiến Nam Bắc bùng nổ vào năm 1627, kéo dài 42 năm qua bảy trận đẫm máu, bất phân thắng bại, hai bên hưu chiến lấy sông Gianh làm giới hạn phân chia Nam Bắc. Mãi sau này vào đời Võ Vương Chúa Nguyễn mới xưng Vương lập ra triều chế riêng biệt song vẫn tôn Vua Lê và vẫn giữ quốc hiệu là Đại Việt. Từ đó, miền Bắc từ Quảng Bình trở ra gọi là Bắc Hà hay xứ Đàng Ngoài, từ Thuận Quảng trở vào Nam gọi là Nam Hà hay là Xứ Đàng Trong.

  • Nhà Nguyễn làm Chúa phương Nam đến đời Nguyễn Phúc Dương chạy vào Gia Định, cả họ bị tàn sát, Nam Hà trọn vẹn rơi vào tay Tây Sơn. Chỉ còn lại một hoàng hôn duy nhất sống sót là Nguyễn Phúc Ánh lúc đó 15 tuổi, nhờ các Linh Mục Thừa Sai cho trốn ở trong nhà. Sau đó, Nguyễn Phúc Ánh gặp Giám Mục Bá Đa Lộc ở Hà Tiên, ông lên ngôi kế nghiệp tiên Vương năm 17 tuổi vào lúc Nam Hà đã mất trọn vào tay Tây Sơn.

  • Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh phù Lê; hai năm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Quang Trung, đem quân Bắc Tiến đánh quân Thanh xâm lăng. Quang Trunng toàn thắng vào ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, Nhà Lê cáo chung sau 360 năm trị vì (1428-1788).

  • Giáo Hội Việt Nam cũng trầm luân trong vận nước trôi nổi bởi thảm kịch Nam Bắc phân tranh lại thêm nạn Bách Đạo mỗi ngày thêm khốc liệt.

 1.1 Bắc Hà

  • Không rõ năm nào hạt giống Đức Tin được gieo mầm trên đất nước Việt Nam, ngoại trừ niên đại lịch sử 1533, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ghi lại cho biết, giáo sĩ "Tây Dương" I-Ni-Khu đến giảng Đạo tại làng Ninh Cường, trấn Sơn Nam (nay thuộc Giáo Phận Bùi Chu). Năm 1578, Chính Sử mới thấy ghi, nhà Mạc tại Bắc Hà cho người sang tận Macao mời người Bồ Đào Nha qua cùng với các Thừa Sai. Nhưng Macao thiếu nhân sự, phải giới thiệu với Manila, xin gửi 04 Thừa Sai sang Việt Nam. Một trận bão lớn đã thổi các Ngài vào Hải Nam, sau cùng chỉ còn vị linh mục duy nhất là cha Ruitz vào giảng đạo năm 1585.

  • Ba năm sau, Đức Giám Mục Macao mới cử 02 Thừa Sai là Alfonso da Costa và Juan Gonsalves qua kinh đô Nhà Lê (Lam Kinh) lúc ấy còn tạm đặt ở Thanh Hoá do lời mời của Công Chúa Chiêm, bấy giờ đang thay em còn nhỏ làm Nhiếp Chính. Năm 1590, mặc dù cả Triều Đình, Hoàng Thái Hậu và Vua Trang Tôn phản đối, Công Chúa Chiêm vẫn xin rửa tội theo Đạo, tục gọi là Bà Chúa Chèm tức Mai Hoa Công Chúa, cùng với trên 70 cung nhân và nữ tÿ vào Lam Kinh nơi xuất phát Nhà Lê, lập Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đây là Dòng Nữ Tu đầu tiên ở Việt Nam, nhưng chỉ 3 năm sau các Giáo Sĩ lại bị Vua Lê trục xuất.

  • Năm 1626, Trịnh Tráng lại mời các mời các Thừa Sai vào. Lần này Giáo sĩ Đắc Lộ và Marquez được gửi qua. Dân Bắc Hà theo đạo rất đông, trong 03 năm đã có 6.700 tín hữu. Chị của chúa Trịnh và 17 người trong phủ Chúa cũng xin rửa tội. Chúa xây luôn nhà thờ cho các vị Thừa Sai. Nhưng năm 1629, Trịnh Tráng thất trận, ông đổi ý, hạ lệnh trục xuất 2 Giáo sĩ. Các ngài ra đi để lại 03 Thầy Giảng điều khiển hơn 7.000 giáo dân. Nhưng năm sau, các Thừa Sai lại được vào tiếp tục công việc truyền đạo. Tính đến năm 1630, Bắc Hà đã có 414 nhà thờ với 350.000 giáo dân.

1.2 Nam Hà

  • Năm 1550, linh mục Thừa Sai Gaspar de Santa Cruz lập tu viện Đa Minh tại Malacca để rồi năm 1558 tu viện này gửi 02 Thừa Sai là Lopez và Azevedo qua Chân Lạp giảng đạo, được 10 năm thì bị trục xuất. Tới năm 1580 tu viện lại phái 02 cha Gregoire de la Motte và Luis de Fonseca sang. Những năm 1586, Chiêm Thành chiến thắng Nam Hà, bắt luôn 02 Thừa Sai về xử tử. Dù vậy, dòng Đa Minh tại Manila còn cố gắng 04 lần nữa gửi Giáo Sĩ vào Nam Hà, nhưng tất cả đều thất bại. Công việc truyền giáo tại đây chỉ đạt được căn bản vững chắc khi dòng Tên vào miền đất Chúa Nguyễn.

  • Năm 1615 dòng Tên bị trục xuất khỏi Nhật. Các vị này trở lại cứ điểm Macao và được phái qua Nam Hà. Linh Mục Buzomi và Carvallo vào cửa Hàn và rửa tội cho 10 người tại Quảng Nam nhân dịp lễ Phục Sinh năm đó. Cuối năm, các ngài đã cất 02 nhà thờ tại Hải Phố và tại Quảng Nam cho trên 300 giáo dân đọc kinh thờ phượng.

  • Năm 1617, quan trấn thủ Qui Nhơn có thiện cảm với Công Giáo, ông mời các Thừa Sai tới, xây cất nhà thờ cho giáo dân. Số tân tòng tăng gấp trăm và gồm đủ thành phần từ sư sãi đến trí thức, quan lại và bình dân. Người nổi tiếng nhất là bà Minh Đức Vương Thái Phi, một vương phi rất sùng Phật, Bà theo Đạo và trở thành một nhà truyền giáo rất đắc lực. Tới năm 1665, Nam Hà đã có trên 50.000 giáo dân. Còn cha Đắc Lộ được mời vào Nam Hà chưa đầy 01 năm, đã bị quan trấn Quảng Nam trục xuất năm 1640. Sau 04 lần lén vào Nam Hà, Ngài đã phải gạt nước mắt vĩnh biệt giáo dân về Rôma năm 1645. Tại đây Ngài đã trình lên Đức Giáo Hoàng Innocentê X về nhu cầu cần thiết thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam. Chương trình này đã được Đức Giáo Hoàng Alexandro VII thực hiện ngày 29-7-1658, mở đầu cho kỷ nguyên mới của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam.

2. Thời kỳ thành lập (1659 - 1888)

  • Năm 1659, Đức Thánh Cha Alexandro thiết lập giáo phận Đàng Trong (Nam Hà) và giáo phận Đàng Ngoài (Bắc Hà), trao cho hai Đức Cha Francoise Pallu và Lambert de la Motte. Cả hai vị tìm cách vào Việt Nam và tổ chức cơ cở căn bản như họp Công Đồng, lập Dòng Mến Thánh Giá, Chủng Viện, và đặc biệt dồn hết tâm lực vào việc đào tạo Linh Mục Việt Nam.

  • Cả hai giáo phận mới thành lập phải đương đầu với cơn bách hại khủng khiếp kéo dài cho tới năm 1888. Cuộc bắt đạo lúc đầu có vẻ thất thời tuÿ theo hứng của Vua Chúa. Nhưng tới khi Vua Gia Long nằm xuống năm 1820, các vua triều Nguyễn là Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, vì tinh thần bài ngoại và lầm tưởng theo Đạo là bỏ ông bà tổ tiên, đã ra lệnh trên toàn quốc triệt hạ thánh đường, xử tử các Giáo sĩ và tất cả những giáo dân nào bất tuân lệnh nhà Vua. Những hành động này đã đưa tới việc liên quân Pháp và Tây Ban Nha can thiệp vào nội bộ Việt Nam, ép buộc vua Tự Đức ký hoà ước nhận quyền bảo hộ của Pháp, đồng thời chấm dứt việc sát hại người Công giáo năm 1883.

  • Nhưng trước khi cơn bão táp ngưng hẳn, nhóm Văn Thân tại vùng Thanh Nghệ Tĩnh Bình còn tổ chức một cuộc tàn sát tập thể những người Công Giáo trong vùng, bằng cách bao vây đốt từng làng. Hơn 60.000 người đã hy sinh trong hai năm 1885 - 1886, nâng tổng số các vị anh hùng tử đạo lên tới 130 ngàn trong suốt ba thế kỷ cấm đạo.

  • Mặc dù chui rúc trong hang hầm, lẩn trốn nơi rừng rú, người Công Giáo Việt Nam vẫn trung thành với Chúa, số tân tòng vẫn tiếp tục nâng cao. Trong thời kÿ này đã tăng lên 09 Giáo Phận là Sài Gòn, Qui Nhơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bùi Chu, Vinh, Huế và Nam Vang (gồm Cao Mên và Hậu Giang). Số giáo dân còn sống sót vẫn gần 500 ngàn người.

3. Thời kỳ phát triển (1888 - 1933)

  • Mặc dầu Tự Đức ký hiệp ước với Pháp năm 1884, nhưng máu tử đạo chỉ thực sự ngưng khi Hàm Nghi bị bắt vào năm 1888, làm cho phong trào Văn Thân sụp đổ theo, và Giáo Hội Việt Nam được hưởng thái bình để lo củng cố nội bộ và phát triển đời sống Đức Tin sâu rộng.

  • Cả Giáo sĩ lẫn giáo dân một tay kiến thiết cơ sở, một tay làm việc trong cánh đồng truyền giáo. Các vị này tích cực phổ biến lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và biệt kính Đức Mẹ Maria, các thánh đường nguy nga đồ sộ theo lối kiến trúc Rôma hoặc Gothic, kể cả ngôi thánh đường kiến trúc theo kiểu Á Đông tại Phát Diệm, cũng được xây cất vào thời này. Trong đó phải nói tới nhà thờ lớn Hà Nội, Phú Nhai, Kẻ Sở, Nam Định , Ninh Bình, Đà Lạt, Sài Gòn, Tân Định, Huyện Sỹ, Qui Nhơn.....

  • Các cơ sở bác ái và giáo dục, các bệnh viện Công Giáo được thiết lập tại nhiều thành phố, như bệnh viện Saint Paul, các chi nhánh trường Dòng Taberd, các trại Dục Anh, Tế Bần, Trại Cùi, Viện Dưỡng Lão... Các cơ sở này được điều khiển bởi các tu sĩ của rất nhiều Dòng đang thi đua du nhập và phát triển tại Việt Nam. Rất đông người theo đạo, có khi cả một làng xin trở lại. Riêng tại giáo phận Bùi Chu trong 12 năm, từ 1885 - 1897, đã có 83 làng theo đạo Chúa.

  • Một sự kiện khích lệ hơn cả làm cho lửa Tông Đồ bốc cao là việc Đức Thánh Cha Lêô XIII tôn phong Chân Phước cho 64 vị Tử Đạo vào ngày 27-5-1900, Đức Piô X phong 8 vị năm 1906 và 20 vị năm 1909. Năm 1888 có 9 Giáo Phận với số giáo dân nửa triệu người đến măm 1933 đã tăng lên 14 giáo Phận và số giáo dân hơn 1.300.000. Số Giám Mục là 15 vị và Linh Mục là 1.429 vị. Trước sự phát triển vượt mức như trên, Đức Giáo Hoàng đã chỉ định và tấn phong vị Giám Mục tiên khởi tại Rôma năm 1933.

4. Thời kỳ trưởng thành (1933 - 1988)

  • Trước khi đưa ra quyết định chọn cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng làm Giám Mục. Toà Thánh đã thiết lập toà Khâm Sứ Đông Dương tại Huế ngày 20 - 5 - 1925. Hành động này chứng tỏ toà thánh đã coi Việt Nam ngang hàng với các Quốc Gia khác.

  • Qua các bài báo cáo của toà Khâm Sứ, ngày 6-11-1933, Đức Thánh Cha Piô IX đã đích thân tấn phong cha Nguyễn Bá Tòng làm Giám Mục phụ tá giáo phận Phát Diệm với quyền kế vị.N Năm sau, ngày 18-11-1934 các Giám Mục Đông Dương cùng với Đức Khâm Sứ Dreyer họp Công Đồng thứ nhất tại Hà Nội. Công Đồng đã phân thành nhiều uỷ ban soạn thảo và đúc kết thành quy chế Công Đồng Đông Dương thứ nhất. Quy chế này nhằm phát triển mọi sinh hoạt của Giáo Hội tại đây, đặc biệt đào tạo hàng Giáo Sĩ Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế và thiết lập mọi tổ chức theo như Giáo Luật hiện hành.

  • Kể từ đây, các Giám Mục Việt Nam được lần lần tấn phong và thay thế các Giám Mục ngoại quốc, như Đức Cha Hồ Nhọc Cẩn năm 1935 coi Bùi Chu, Đức Cha Ngô Đình Thục năm 1938 coi Vĩnh Long được tách rời khỏi Nam Vang, Đức Cha Phan Đình Phùng năm 1940, Đức Cha Lê Hữu Từ năm 1945.

  • Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Việt Nam. Trước tình thế này vai trò của các vị Thừa Sai ngoại quốc càng trở nên khăn và số linh mục Việt Nam đủ điều kiện làm Giám Mục tăng thêm nhiều. Toà thánh quyết định "Việt Nam Hoá" hệ thống lãnh đạo Giáo Hội qua việc trao cho Giám Mục bản quốc: Hà Nội cho Đức Cha Trịnh Như Khuê năm 1950, Bắc Ninh cho Đức Cha Hoàng Văn Đoàn năm 1950, Vinh cho Đức Cha Trần Hữu Đức năm 1951, Hải phòng cho Đức Cha Trương Cao Đại năm 1953.

  • Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước khiến gần 750.000 giáo dân Công Giáo miền Bắc phải di cư vào miền Nam, sự ra đi này để lại một khoảng trống lớn tại miền Bắc, chỉ khoảng 713.000 giáo dân, 07 Giám Mục cà 374 Linh Mục. Tới năm 1959 vị Thừa Sai cuối cùng trong đó có Đức Khâm Sứ Dooley, bị trục xuất khỏi miền Bắc. Giáo Hội tại đây trở thành Giáo Hội thầm lặng.

  • Trong khi đó, tại miền Nam tự do, với lực lượng từ miền Bắc tăng cường, Giáo Hội phát triển mau lẹ cả bề rộng lẫn bề sâu. Công viêc truyền giáo được chú trọng trước hết là vấn đề dậy tân tòng. Năm 1957 đã có 67.854 người theo học các lớp giáo lý người lớn. Riêng giới trí thức Công Giáo càng hoạt động mạnh mẽ hơn, họ tham dự vào các hoạt động quốc gia, các trường đại học, trung tiểu học công tư. Không một họ Đạo nào được thiết lập mà bên cạnh không có trường học, một vài cơ sở bác ái từ thiện, đón nhận nhiều người không Công Giáo hơn người Công Giáo. Nhiều thánh đường lớn được xây cất. Các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, các Dòng Tu nam nữ phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu mục vụ. Đặc biệt 03 viện đại học Công Giáo đã gây được nhiều uy tín và ảnh hưởng nhất tại miền Nam.

  • Những bước tiến vững mạnh trên đây đưa tới quyết định của Toà Thánh thành lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam qua Tông Hiến Venerabilium Nostrorum do Đức Gioan XXIII ký, ban hành ngày 24-11-1960. Tông Hiến này đặt Giáo Hội Việt Nam dưới quyền điều khiển của hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Toàn quốc chia thành ba giáo tỉnh: Hà Nội với các giáo phận miền Bắc dưới quyền điều khiển của Đức Tổng Giám Mục Trịnh Như Khuê, Sài Gòn với quyền điều khiển của Đức Giám Mục Nguyễn Văn Bình và Huế dưới quyền điều khiển của Đức Giám Mục Ngô Đình Thục.

  • Tính tới năm 1988, miền Bắc đã có một vị Hồng Y và 14 Giám Mục, chừng 350 linh mục và hơn 2 triệu giáo dân. Miền Nam có gần 3 triệu giáo dân, tên dưới 2.000 linh mục. Giáo tỉnh Huế có 12 Giám Mục và Giáo tỉnh Sài Gòn có 16 Giám Mục. Hiện nay theo Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn số giáo dân Việt Nam gần 06 triệu người với 25 Giáo Phận. Một số Giáo Phận có hai vị giám Mục.
                                              (Trích: Đôi Dòng Lịch Sử Của Giáo Hội Việt Nam - VietCatholic) 


5. Tóm lược sự hình thành và phát triển 

  • Cánh đồng truyền giáo Việt nam thắm đậm máu đào tử đạo để tăng trưởng không ngừng. Trong phiên họp ngày 30-06-1924 dưới sự chủ toạ của Giám mục Henri Lecroat (SJ) thanh tra Toà Thánh, các giám mục miền Ðông Dương đã đề nghị Bộ Truyền Giáo đổi tên các giáo phận, từ đây các giáo phận sẽ lấy tên thành phố có Toà Giám mục thay vì sử dụng danh xưng theo hành chánh dân sự. Toà thánh thiết lập Tòa khâm Sứ tại Ðông Dương, đặt tại Phủ Cam, Huế, vào năm 1925. Vào đúng 400 năm (1533- 1933) sau ngày Tin Mừng được rao giảng trên đất Việt, Ðức Thánh Cha Pio XI đã tấn phong Giám mục tiên khởi Việt Nam : Gioan Baotixita Nguyễn bá Tòng ngày 11-06-1933 tại Ðền thờ Thánh Phêrô.
  • Ðức Khâm sứ Colomban Dreyer triệu tập công đồng Ðông Dương tại Hà Nội từ 16-11 đến 06-12-1934 với sự tham dự của 19 giám mục, 5 bề trên thượng cấp các dòng Ða Minh, Phan Sinh, Xitô, Chúa Cứu Thế và Hội linh mục Xuân Bích cùng với 21 linh mục cố vấn và chuyên viên, chia thành 5 tiểu ban nhóm họp, thảo luận và đúc kết thành quả "Quy chế mục vụ công đồng Ðông Dương " gồm 5 cuốn với 426 khoản nhằm mục đích :
  • Thiết lập tiệm tiến hàng giáo phẩm Việt nam
  • Ðào tạo và thăng tiến hàng giáo sĩ Việt nam nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ thời đại.
  • Cổ võ tinh thần sống đạo và truyền đạo của giáo dân qua các phong trào công giáo tiến hành .
  • Thành qủa đường hướng mục vụ của công đồng ghi dấu bước tiến quan trọng, nhiều giáo phận mới được chia và thành lập : Giáo phận Phát Diệm, Thanh Hoá (1932), Thái Bình (1936), Vĩnh Long (1938), Lạng Sơn (1939), Cần Thơ (1955), song song với việc tuyển chọn và liên tiếp tấn phong các giám mục Việt Nam : Gm hồ ngọc Cẩn (1935), Gm Ngô đình Thục (1938), Gm Phan đình Phùng (1940), Gm Lê hữu Từ (1945), các Gm Trịnh như Khuê, Phạm ngọc Chi, Trương cao Ðại (OP), Hoàng văn Ðoàn (OP) (1950), Gm Trần hữu Ðức (1951), Gm Nguyễn văn Bình và Nguyễn văn Hiền (1955) .
  • Theo nhịp thăng trầm của đất nước, hiệp định Genève ngày 20-07-1954, phân chia hai miền nam bắc; số đông giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và hơn 650.000 giáo hữu di cư vào miền nam; Giáo Hội miền Bắc còn lại trong 10 giáo phận có : 7 giám mục,374 linh mục và số ít tu sĩ phục vụ 750.000 tín hữu.( 5 )
  • Theo thống kê Bộ Truyền Giáo, Giáo Hội tại Miền nam năm 1957 có : 1.100.000 giáo dân, 67.854 tân tòng, 254 đại chủng sinh, 1.672 thầy giảng và 1.264 linh mục. Giáo Hội phát triển không ngừng để phục vụ tha nhân qua các môi trường tôn giáo, văn hoá, xã hội : Viện đại học công giáo Ðàlạt khánh thành năm 1958; Giáo Hoàng Học Viện Pio X khai giảng năm 1958 do các giáo sĩ Dòng Tên đảm trách.

  • Ðể kỷ niệm 300 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên (1659 - 1959 ) và ghi dấu sự phát triển của giáo Hội Việt nam : Ðại Hội Thánh Mẫu toàn quốc được tổ chức tại Saigon ngày 17 đến 19-02-1959 dưới sự chủ toạ của Ðức Hồng y Gregogio Agagianian, quyền Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo.
  • Và ngày 24 -11-1960 qua Tông thư "Venerabilium Nostrrorum " Ðức Thánh Cha Gioan XXIII thiết lập hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam " với ba Giáo tỉnh : Hà Nội, Huế, và Sàigòn. Tông Thư được công bố ngày Lễ kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08-02-1960:
  • Giáo tỉnh Hà Nội bao gồm các Giáo phận Lạng Sơn, Hai Phòng, bắc Ninh, Hưng Hoá, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá và Vinh.
  • Giáo tỉnh Huế gồm các giáo phận : Quy Nhơn, Nha Trang và Komtum.
  • Giáo Tỉnh Saigon quy tụ các giáo phận Vĩnh Long, Cần Thơ, và ba giáo phận mới được thành lập : Ðà lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên.
  • Hạt giống Tin Mừng đâm sâu trong lòng đất mẹ, phát sinh hoa trái đời sống đức tin kiên cường của người tín hữu, thêm nhiều Giáo phận mới liên tục được thiết lập : Giáo phận Ðà nẵng (1963), Phú Cường và Xuân Lộc (1966), Ban Mê Thuộc (1967) và sau cùng là Phan Thiết (1975). Trong hoài bão và ước vọng mang Tin Mừng Ðức kitô cho các dân tộc lân bang như Cao miên, Ai lao, và Thái lan, Hội Thừa sai việt nam được thành hình năm 1972 .

  • Biến cố tháng 4 năm 1975, một số đồng bào di tản, vượt biển ra nước ngoài; đất nước hoàn toàn thống nhất, sức sống của Mẹ Giáo Hội Việt Nam kiên cường, mãnh liệt dưới sự hướng dẫn tinh thần của Hội Ðồng Giám Mục Việt nam. Trong phiên họp đầu tiên tại Hà Nội, ngày 01-05-1980, các Giám mục Việt Nam minh định và cương quyết theo đường hướng mục vụ :"Giáo Hội Việt Nam sống Phúc âm và hoà mình giữa lòng dân tộc ".

  • Lần đầu tiên tong dòng lịch sử Giáo Hội Việt nam, Ðức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh như Khuê, Tổng giám Mục Hà Nội, đuợc thăng lên hàng Hồng Y tiên khởi do Ðức Thánh Cha Phaolô VI vào ngày 30-06-1978.

  • Ngày vinh quang, khải hoàn, ngày 19-06-1988, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 Thánh Tử đạo Việt nam tại Công trường Thánh Phêrô với sự tham dự của hàng ngàn giáo hữu Việt nam trong niềm tri ân các tiền nhân anh dũng, bất khuất, trung kiên đổ máu đào vì niềm tin son sắt vào Ðức Kitô và Giáo Hội

  • Như lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong sứ điệp gửi cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam dịp kỷ niệm 25 năm thành lập (1960-1985) :" Nếu hạt giống hôm qua gieo vào lòng lịch sử đã có một quá khứ oai hùng, cũng sẽ bảo đảm muôn phần phong phú cho tương lai mùa hoa nở trong vườn hoa Giáo Hội Việt Nam của quý chư huynh " .

  • Theo bản thống kê năm 1995, Mẹ Giáo Hội Việt nam hôm nay hiện diện trong 25 giáo phận, với 4 triệu 500.000 tín hữu,trên tổng số 73 ttiệu dân, chiếm 6,5 % dân số toàn quốc; được chăm sóc bởi 32 Giám Mục, 1866 linh mục, 850 đại chủng sinh trong 06 Ðại chủng viện : Thánh Giuse (Thành Phố Hồ chí Minh), Cần Thơ, Sao Biển Nha Trang, Xuân Bích Huế, Vinh Thanh, và Thánh Giuse Hà Nội. Hiện diện giữa lòng dân Chúa còn có các cộng đoàn tu trì, sống đời chiêm niệm hay hoạt động tông đồ, mỗi ngày càng tăng trưởng về phẩm cũng như lượng.

  • Số tu sĩ các dòng nam là 1.523 trên toàn nước; được ghi nhận vào năm 1993 : Dòng Biển Ðức (53 đan sĩ), Dòng Chúa Cứu Thế (124 tu sĩ), Dòng Tên (40), Dòng Ða Minh Lyon (9), Tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam (112), Dòng Ðồng Công(140), Dòng Ðức Mẹ người nghèo (10), Dòng Lasan (66), Dòng Phan Sinh Việt Nam (109), Dòng Sa-lê-diêng (108), Dòng Thánh Thể (20), Dòng Xitô (230), Dòng Thánh Tâm Huế (40), Dòng Thánh Giuse Nha Trang (50), Dòng Tiểu Ðệ Giêsu (6), Hội linh mục Xuân Bích (13). Và các tu hội đời nam : Tu Hội Nhà Chúa (59), Tu Hội Nhà Chúa truyền giáo (3), Tu hội Nhập Thể tận hiến ( 33), Tu Hội Tôi Tá Thánh Linh (5).

  • Ơn gọi "Hiến Dâng Phục Vụ " nữ được thống kê vào năm 1993 như sau : Dòng Biển Ðức (21 đan sĩ), Dòng Cát Minh (73), Dòng Clara (18), Dòng Con Ðức Mẹ Mân Côi (245 nữ tu), Dòng Con Ðức Mẹ phù hộ (23) Dòng Ðức Bà (30), Dòng Ðức Bà Truyền Giáo (65), Dòng Nữ Lasan (25), Dòng Phan Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ (103), Dòng Thánh Phaolô thành Chartres (300), Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản (4), Dòng Nữ tu bác ái Vinh Sơn (250), Dòng Con Ðức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa (60), Dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ Nha Trang (110), Dòng Thánh Phao lô Mỹ Tho (134), Dòng Thánh Phaolô Ðà Nẵng (320), Dòng Ðức Mẹ người nghèo (4), Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu linh mục (142), Dòng Nữ tỳ thánh Thể (20), Dòng Cát Minh Bình triệu (73), Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá (51), Dòng Mến Thánh Giá Thánh Mẫu Hà Nội (139), Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá (52), Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương Phát Diệm (22), Dòng Mến Thánh Giá Vinh Xã Ðoài (167), Dòng Mến Thánh Giá Huế Cố Ðô (263), Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum (131), Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm (287), Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn (292), Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán (318), Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (303), Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá Ðàlạt (263), Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội Thủ Ðức (71), Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình Nha Trang (106), Dòng Mến Thánh Giá Quy nhơn (221), Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ Sóc Trăng (77), Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập Thái Bình (91), Dòng Mến Thánh Giá Tân An (20), Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh (65), Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt (74), Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết (63), Dòng Mến Thánh Giá Huế, Xuân Lộc (77), Dòng Chúa Quan Phòng (496), Dòng Con Ðức Mẹ đi viếng (96), Dòng Con Ðức Mẹ Lavang Phú Cường (60), Dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm (66), Dòng Ðức Mẹ Trinh Vương (192), Dòng Nữ Vương Hoà Bình Ban mê Thuộc (123), Dòng nữ ÐaMinh Lạng Sơn (82), Dòng Nữ ÐaMinh Rosa de Lima Thái Bình-Bắc Ninh- Hải Phòng (297), Dòng Nữ ÐaMinh Thánh Thể (7), Dòng Nữ ÐaMinh Thánh Tâm (140), Dòng Nữ ÐaMinh Tam Hiệp, Bùi Chu nam (151), Dòng tự hiến ÐaMinh Bùi Chu bắc (137), Dòng Chúa Giêsu Hài Ðồng (2),Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu (8), Dòng Dâng Truyền (10), Dòng Ảnh Phép lạ Komtum (63). Và các tu hội đời nữ :Tu Hội bác ái (30), Tu Hội nữ lao động truyền giáo (16), Tu Hội Nhập Thể tận hiến (67), Tu Hội Nô Tỳ Thiên Chúa (68), Tu Hội Nô Tỳ Công Giáo Maria (45), Tu Hội Tôi tá Thánh Tâm (20), Tu Hội Thăm Viếng (100). Tổng số tương đối là 8.822 nữ tu trên toàn quốc ( 6 ).

  • Sau 20 năm (1975-1995) phát triển tại hải ngoại, Cộng đồng công giáo Việt nam bao gồm khoảng 300.000 tín hữu trên 27 quốc gia định cư ( khoảng 15 % người Việt nam tại hải ngoại ) được phục vụ bởi 633 linh mục, 30 tu sĩ, 31 phó tế vĩnh viễn, 96 Ðại chủng sinh, và 241 nữ tu ( 7 ).

  • Năm 1997, năm thật đặc biệt với giáo xứ Việt Nam tại Paris mừng kỷ niệm 50 năm (1947-1997) thành lập : đây là cộng đoàn tín hữu Việt Nam tại hải ngoại kỳ cựu nhất. Thánh lễ tạ ơn do Ðức tổng Giám Mục Mario Tagliaferri, Sứ Thần toà thánh tại Pháp chủ tế vào ngày 11-05-1997.

  • Ngày 09-03-1998, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Ðức Cha Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn làm Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh và Ðức Cha Têphanô Nguyễn Như Thể làm Tổng giám Mục Tổng Giáo phận Huế.

  • Hàng trăm ngàn tín hữu hành hương về linh Ðịa La Vang để tham dự tam Nhật đại lễ kỷ niệm 200 năm đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998) từ 13 đến 15-08-1998 là một biến cố tôn giáo trọng đại, là lễ chung của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Thánh lễ bế mạc do Ðức hồng y đặc sứ Phaolô Phạm đình Tụng chủ tế với sự hiện diện của nhiều Giám Mục và linh mục đồng tế. Toàn thể dân Chúa tại Việt nam được mời gọi sám hối, đổi mới đời sống , học hỏi noi gương Mẹ Maria và " Cùng Mẹ La Vang tiến về Năm Thánh Cứu Ðộ 2000 ".

  • Mùa xuân 1999, Mùa xuân của Giáo Hội Việt Nam trước ngưỡng cửa năm 2000 với việc Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm 05 tân Giám Mục : Ðức tân giám mục Phêrô Trần đình Tứ, Giám mục Phú Cường, tấn phong tại Roma ngày 06-01; Ðức tân giám mục Bùi văn Ðọc, Giám mục Mỹ Tho, tấn phong tại Nhà Thờ Chính Toà Ðà Lạt ngày 20-05 ; Ðức tân giám mục Giuse Ngô quang Kiệt, giám mục Lạng Sơn và Ðức tân Giám mục phó Giuse Trần xuân Tiếu, Giáo phận Long Xuyên, tấn phong ngày 29-06 tại Nhà Thờ Chính Toà long Xuyên. Và Ðức tân giám mục Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Quy Nhơn, tấn phong ngày 12-08-1999 tại Nhà Thờ Chánh Toà Quy Nhơn.

  • Hội Ðồng Giám mục Việt Nam trong phiên họp thường niên từ ngày 11 đến 16-10 tại Ðại chủng viện Sao Biển Nha Trang được báo tin vui về Ðại chủng viện Xuân Lộc mở cửa đón nhận chủng sinh các giáo phận Xuân Lộc, Ðàlat, và Phan thiết sau thời gian dài chờ đợi.

  • Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt nam, một minh chứng hùng hồn đức tin quả cảm, hiên ngang của dân Chúa giữa lòng quê hương và đồng bào, bước theo tấm gương sống đức tin can trường của các thế hệ tiền nhân tử Ðạo. Người tín hữuViệt Nam hiên ngang làm chứng nhân của Tin Mừng, sống niềm tin mãnh liệt vào Ðức kitô trên non sông đất Việt; người giáo dân Việt Nam hải ngoại kiên trì giữ vững và sống đức tin trên các miền đất mới theo bước chân, tinh thần truyền giáo của Thầy giảng Anrê Phú yên tử đạo ngày 27-06-1644, được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên hàng chân phước vào ngày 05-03 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp Ðại Năm Thánh 2000.

  • Ðồng hành với chân phước Tử đạo Thầy giảng Anrê Phú Yên, mẫu gương người giảng viên giáo lý thế kỷ 17, hiên ngang truyền giảng Tin Mừng và dâng hiến mạng sống giữa tuổi 19 thanh xuân vì tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu cứu nhân độ thế của đức Kitô : "hôm qua, hôm nay và mãi đến muôn đời ". (Dt. 13,8 )

5.1 Sống Đạo theo Chúa Kitô

        Tại sao tôi yêu mến Đức Tin Công giáo ?
 9/7/2013 7:36:10 AM
  • Tôi là dân Công Giáo “nòi” (Cradle Catholic) – Công Giáo từ mới sinh, gọi là “đạo gốc”. Mẹ tôi muốn câu nói đầu tiên của tôi phải là “Giêsu”, vì bà thường đưa tôi đi lễ hằng ngày.
  • Khi tôi lớn, tôi bắt đầu thắc mắc về đức tin và nguội lạnh vài năm sau khi tôi xa nhà. Tôi cảm thấy cuộc sống rất trống rỗng, cuối cùng tôi nhận thấy mình cần Giáo Hội Công Giáo, các nghi lễ và truyền thống. Tôi càng thực hành và tìm hiểu về Công Giáo, tôi càng thêm yêu mến. Đây là vài lý do:
  • Thánh lễ – Thánh lễ không chỉ là việc cử hành phụng vụ tốt lành mà còn là phương tiện đạt được ân sủng bằng việc rước lễ. Hằng ngày, lúc nào trên thế giới cũng có Thánh lễ, hoàn tất yêu cầu của Đức Kitô: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22:19). Tôi thích vì tôi có thể dự lễ bằng tiếng Tây Ban Nha, La-tinh hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào, và tôi vẫn biết chính xác những gì đang diễn ra vì có nhịp điệu và nghi thức luôn giống nhau. Mỗi cộng đoàn còn có thể tạo nét riêng qua âm nhạc, cách trang trí nhà thờ và thói quen văn hóa của dân tộc mình. Tôi cảm thấy giống như ở xứ mình dù tham dự Thánh lễ ở bất cứ nơi nào.
  • Bí tích – Giáo Hội Công Giáo có bảy bí tích là dấu hiệu hữu hình về ân sủng, do chính Đức Kitô thiết lập. Bí tính Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh Thể là các bí tích khai tâm và nền tảng của đức tin. Bí tích Hòa giải và Xức dầu bệnh nhân là các bí tích chữa lành. Bí tích Hôn phối và Truyền chức là các bí tích phục vụ.
    Tôi thích các nghi lễ và truyền thống đã xác định các bí tích, tôi cũng có thể đi xưng tội và rước lễ theo ý ước muốn của tôi. Rất lạ là khi tôi rước lễ, tôi trở nên “nhà tạm” cho Chúa ngự, và tôi có thể đưa Ngài đi khắp nơi. Tôi phải khiêm nhường để thú tội mình nơi tòa cáo giải. Càng lãnh nhận bí tích thì tôi càng đón nhận nhiều ân sủng.
  • Truyền thống phong phú – Những ngọn nến lung linh, những nén hương trầm thơm ngát, những thánh tượng, những hạt trong xâu chuỗi, những cửa kính có hình ảnh Công Giáo, những lễ phục màu sắc, bàn thờ và nước phép chỉ là một số dấu hiệu hữu hình của truyền thống và nghi lễ Công Giáo. Người Công Giáo hiểu rằng việc tham dự các nghi lễ là hiệp thông trong đức tin.
    Tôi cũng yêu mến các lòng sùng kính lưu truyền từ đời nọ tới đời kia như Kinh Truyền Tin, 14 Chặng Đàng Thánh Giá, Chuỗi Mân Côi và Chầu Phép Lành Thánh Thể. Các thói quen tốt lành này thấm sâu vào đức tin của tôi và liên kết tôi với các Kitô hữu khác trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi cảm thấy mình phải dạy những điều đó cho con cái để chúng tiếp tục duy trì truyền thống Công Giáo.
  • Các thánh – Các thánh là các anh hùng đức tin, các ngài cũng là những người bình thường nhưng thực hành nhân đức khác thường. Các thánh là những tu sĩ nam nữ, linh mục, giám mục, giáo hoàng, binh sĩ, vua quan, nữ hoàng, giáo dân, nông dân, mục đồng, nô lệ,... Có những thánh rất nghèo và sống rất khó khăn, có những thánh giàu có nhưng hảo tâm với người nghèo, mỗi vị thánh đều có hoàn cảnh sống khác nhau.
  • Bình đẳng – Nhà thờ Công Giáo đầy người, họ quỳ bên nhau, không phân biệt giai cấp, nghề nghiệp, tuổi tác,... Người giàu sụ cũng quỳ ngang hàng người nghèo khổ nhất. Mọi người cùng nhau vui vẻ chúc bình an cho nhau. Người dân tộc này chúc bình an cho người dân tộc khác. Tất cả đều bình đẳng.
  • Nhà thờ – Kiến trúc của các nhà thờ Công Giáo đa dạng. Giáo dục tôi đã đến nhiều nhà thờ ở Hoa Kỳ, đã đến nhà thờ ở California với lối kiến trúc Tây Ban Nha, nhà nguyện tân kỳ ở Georgia, đại giáo đường ở Texas, và nhà thờ ở Virginia với loại ghế đa dụng. Dù tới đâu, chúng tôi vẫn gặp những nhà thờ Công Giáo cách nhau chỉ vài dặm.
  • Luân lý – Mặc dù nhiều người coi đức tin Công Giáo là dạng đòi hỏi phải giữ nghiêm luật, tôi vẫn yêu thích luân lý của Giáo Hội và tìm kiếm chân lý. Giáo Hội Công Giáo đặt tiêu chuẩn cao về luân lý, cảm thông với người bất đồng ý kiến, nhưng không nhượng bộ bất kỳ áp lực nào. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, Chúa đã thiết lập bí tích Hòa giải để tha thứ tội lỗi và ban ân sủng cho chúng ta, giúp chúng ta sống đời sống luân lý tốt hơn.
Peggy Bowes

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ beliefnet.com,

Tác giả: Peggy Bowes là cựu phi công, là tác giả cuốn “The Rosary Workout” và cuốn “Tending the Temple”. Bà sống tại Bắc Carolina với chồng và hai con.

5.2 Người Công Giáo

  
ĐTC Phanxicô nói: ''Người Công Giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị''

Vatican, 16 Tháng Chín 2013 - "Một người Công Giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị", tham gia và đóng góp nhiều điều tốt nhất có thể như:
"ý tưởng, kiến nghị, nhưng trên hết là lời cầu nguyện" cho những viên chức chính quyền, để họ biết yêu thương người dân, khiêm nhường, lắng nghe những ý kiến khác nhau của người dân để chọn ra phương cách tốt nhất. 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy cảm hứng từ thư của Thánh Phaolô gửi Timôthê để nói về trách nhiệm của nhà cầm quyền lãnh đạo và lời mời gọi tín hữu cầu nguyện cho họ.

Đài phát thanh Vatican dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Những nhà cầm quyền "phải yêu thương người dân của họ" bởi vì "một lãnh đạo mà không yêu thương dân thì chẳng thể nào cầm quyền được. Họ có thể cầm trong tay kỷ luật, họ có thể chi phối an ninh trật tự, nhưng họ không thể quản trị."

Ví dụ như vua David, "ông rất yêu thương dân của mình", mặc dù ông lỗi phạm rất nhiều nhưng ông vẫn cầu xin Chúa đừng trừng phạt người dân mà hãy trừng phạt ông. Vì thế, hai nhân đức của một nhà lãnh đạo là biết yêu thương người dân và có sự khiêm nhường.

"Bạn không thể cầm quyền mà không yêu thương người dân và không có sự khiêm nhường. Mỗi người lãnh đạo phải tự hỏi chính mình hai câu hỏi: "Tôi có yêu thương người dân để tôi phục vụ họ tốt hơn không? Tôi có khiêm nhường và lắng nghe tất cả ý những kiến khác nhau của mọi người để chọn ra phương cách tốt nhất không? Nếu bạn không đặt ra được những câu hỏi như vậy, việc lãnh đạo của bạn sẽ không được tốt đẹp hơn là những ai biết yêu thương người dân của họ".

Từ một góc độ khác, Thánh Phaolô cũng khuyên người dân cần có những lời cầu nguyện dành cho nhà lãnh đạo, để họ có thể có một cuộc sống yên tĩnh và thanh bình. Người dân không thể không quan tâm đến chính trị. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng "Tôi không có gì để làm trong lĩnh vực này, họ đã quản lý hết rồi..." Trái lại, "tôi phải có trách nhiệm trong việc quản trị của họ, và tôi phải làm những điều tốt nhất để họ quản trị cho thật tốt nhất. Tôi phải làm hết sức mình bằng cách tham gia vào chính trị bằng khả năng của tôi." Theo Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo thì chính trị là một trong những hình thức cao nhất của bác ái, vì nó phục vụ lợi ích chung. "Tôi làm sao có thể vô trách nhiệm phải không nào? Tất cả chúng ta phải chung tay đóng góp một cái gì đó!"

Thật sai lầm khi nghĩ rằng: "Người Công Giáo tốt là người không can thiệp vào chính trị". Đó không phải là một hướng đi tốt. Một người Công Giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị, đóng góp những điều tốt nhất của mình cho việc quản trị của nhà lãnh đạo. Nhưng chúng ta cần cầu nguyện thế nào cho nhà lãnh đạo? Hãy làm theo những gì Thánh Phaolô nói: "Hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người, và cho vương quyền và cho tất cả những ai cầm quyền".

"Nhưng thưa cha, những người đó là kẻ xấu xa, đáng phải xuống hỏa ngục..." - "Vậy hãy cầu nguyện cho họ để họ có thể cầm quyền tốt, họ có thể yêu thương người dân, họ có thể phục vụ người dân và họ có thể khiêm tốn hơn. Một Kitô hữu không cầu nguyện cho nhà lãnh đạo thì không phải là một Kitô hữu tốt!"

"Nhưng thưa cha, làm sao con cầu nguyện cho những người đó, những người không tốt được..." - "Hãy cầu nguyện để những người đó có thể hối cải!"

Đức Thánh Cha kết luận, "chúng ta đóng góp ý tưởng, kiến nghị là điều rất tốt, nhưng trên tất cả là lời cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của chúng ta để họ có thể quản trị tốt, để họ có thể dẫn đưa quê hương của chúng ta, đất nước của chúng ta và thậm chí là cả thế giới của chúng ta tiến về phía trước, vì lợi ích của hòa bình và công ích". (Theo AsiaNews)

Tham khảo

8. Chú thích

(1) Khâm Ðịnh Sử Việt Thơng Giám cương Mục, quyển XXXIII, tờ 6a và 6b .
(2) Eugène L.Louvet, Les Mission catholiques au XIXè siècle, trang 207 .
(3) Adrien launay, Atlas des Missions de la socìt des MEP, Lille 1890 .
(4) Trần anh Dũng, Sơ thảo thư mục Công Giáo Việt nam, Paris 1992
(5) Trần anh Dũng, Lịch sử biên niên G.HC.G.Việt nam, Orlando, 1986
(6) nguyễn ngọc sơn, người Mục tử Cộng đồng, 1994, trang 74-80
(7) Niên lịch Công Giáo Việt nam 1995, Dân Chúa Âu Châu phát hành

Không có nhận xét nào: