CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (24/11)

1. Thời kỳ bách hại Đạo Công Giáo

Ngay từ khi mới nhận hạt giống Đức Tin, Đất Mẹ Việt Nam đã được thấm nhuần bằng máu các vị Tử Đạo xuất thân trong hàng Giáo Sĩ ngoại quốc cũng như trong hàng Giáo Sĩ bản xứ và trong cộng đoàn giáo dân Việt Nam. Lời nhận xét của Tertulianô xưa đã thành như di ngôn bất di bất dịch ngàn đời: " Sanguis Martyrum, semen Christianorum: Máu các vị Tử Đạo là hạt giống sinh nhiều giáo hữu". Tất cả các vị đã chung vai sát cánh trong lao khổ, trong hy sinh vun trồng thì cũng sát cánh trong cái chết vô cùng anh dũng để làm chứng tá cho Chúa Kitô; "Không có tình yêu nào lớn hơn sự hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (Gioan 15,13).
Ngay trong thời kÿ mới khai nguyên, lịch sử còn ghi một số nhà truyền giáo đã chiếm được cảm tình tốt đẹp nơi nhiều vị cầm quyền Việt Nam thời đó.
  • Năm 1591, Giáo Sĩ Ordeonez de Cevallos dạy Giáo Lý và làm phép Thánh Tẩy cho Công Chúa Mai Hoa (phiên âm từ Maria): Công Chúa Mai Hoa là chị của Lê Trang Tông.
  • Năm 1624, tại Thuận Hoá, Giáo Sĩ De Pina dạy giáo lý và chuẩn bị cho bà Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ thứ của Chúa Nguyễn Hoàng, và Cha Đắc Lộ làm phép thánh tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena.
  • Linh Mục Đắc Lộ, năm 1627, tới kinh đô Kẻ Chợ (Hà Nội), đã được vào tiếp kiến Chúa Trịnh Tráng tức là Thanh Đô Vương. Trong quãng thời gian ở tại thủ đô, ngài đã đưa được em gái Chúa Trịnh Tráng trở lại đạo Công Giáo mang thánh hiệu là Catarina còn chính Chúa Thanh Đô Vương cho phép ngài lập một nhà thờ bên cạnh Phủ Chúa.
  • Trong Nam Hà, dưới thời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1725-1765), Chúa Nguyễn mời Giáo Sĩ Dòng Tên vào chính Dinh dạy toán và làm y sĩ riêng của Ngài.
  • Người theo Đạo càng lúc càng đông, cộng đoàn tuy mới nhưng bắt đầu lớn mạnh do đó đã làm cho hàng tăng lữ và nho sĩ lo ngại. Vua và Chúa bắt đầu hoài nghi Đạo mới, sợ bị mất ảnh hưởng của Triều Đình. Hơn nữa, giáo lý Công Giáo đem tới có vẻ xa lạ và quá nghiêm khắc nên bị lên án là gây xáo trộn trật tự xã hội. Điển hình nhất là Công Giáo chủ trương "nhất phu, nhất phụ", trong khi Vua và Chúa có cả một đoàn cung tần mỹ nữ. Từ quan lại triều đình văn võ đến nho sĩ và hương lý lấy 5, 7 vợ là việc thường tình, dưới một chế độ đa thê đã kéo dài hàng ngàn năm. Đó là lý do chính đạo Công Giáo đã bị chống đối mãnh liệt.
  • Lúc ban đầu một số những cuộc bách hại khởi xướng bằng những lý do mơ hồ và có thể nói đều là do thành kiến. Thí dụ trong Nam, hai lần lệnh cấm đạo được ban hành: năm 1617 dưới thời Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên, 1615-1635) nhân vụ hạn hán, và năm 1663 (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1667) nhân cơ hội một trận bão lụt.... Các thầy Tăng giải thích: vì sự có mặt của Tây phương Đạo Trưởng và sự kiện nhiều người tin theo Đạo mới làm cho vị Thần Phật "nổi giận", nên đã không cho mưa xuống, hay đã khiến dòng nước dâng cao làm thiệt hại mùa màng!
  • Nhưng về sau, trong những cuộc bách hại đẫm máu, dần dần hiện rõ lý do chính thức tôn giáo: Sở dĩ là vì chính quyền thời đó ra mặt chống đối bài bác bắt bớ Thiên Chúa Giáo, hành quyết những vị Thừa Sai ngoại quốc hay Linh Mục, giáo dân bản xứ và tìm cách tiêu diệt Đạo Chúa, nói theo danh từ chuyên môn, là vì "hận thù tín ngưỡng: odium fidei". Tín ngưỡng nói đây là niềm xác tín sâu xa vào Thiên Chúa, sự tôn thờ Ngài là đứng tạo dựng muôn loài, là vị cứu tinh nhân loại và là Thẩm Phán tối cao...và chỉ khi nào chết vì tín ngưỡng, nghĩa là thà chết để chứng minh lòng mình trung kiên với Thiên Chúa, lúc đó cái chết mới cao cả, mới là lý tưởng bất diệt của con người: trước mặt giáo Hội hoàn vũ, cái chết này mới đáng tuyên dương và được đề cao làm mô phạm cho toàn dân Thiên Chúa. (Trích: VietCatholic - Đôi Dòng Lịch Sử Của Giáo Hội Việt Nam

2. Những sắc chỉ cấm Đạo

Kể từ năm 1627, sắc chỉ thứ nhât do Chúa trịnh ban hành cấm đạo cho đến triều đại Tự Đức nhà Nguyễn, tổng cộng có 53 săc chỉ do các Chúa Nguyễn cũng như nhà Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức

2.1 Chúa Nguyễn Đàng Trong (1615-1778)

Ban hành 8 sắc chỉ:
  • Chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên, 1615-1635) Sắc Chỉ năm 1625.
  • Chúa Thượng (Nguyễn Phước Lam, 1635-1648) Sắc Chỉ năm 1639 và 1644.
  • Chúa Hiền Vương (Nguyễn Phước Tần, 1648-1687) Sắc Chỉ năm 1663 và 1665.
  • Chúa Ngãi Vương (Nguyễn Phước Trân, 1687-1691) Sắc Chỉ năm 1691.
  • Chúa Minh Vương (Nguyễn Phước Chu, 1691-1725) Sắc Chỉ năm 1700.
  • Chúa Võ Vương (Nguyễn Phước Khoát, 1725-1765) Sắc Chỉ năm 1725.
Cuộc bách hại dữ nhất vào năm 1665 là vì có người vu khống cho rằng tưþng ảnh Thánh Giá là hình ảnh vua Bồ Đào Nha, do đó người theo đạo tức khắc là con dân của Đế Quốc Bồ. Chúa Hiền Vương nổi giận trục xuất hết mọi vị Thừa Sai và sát hại dân lành, nhất là vào tháng Giêng và tháng Hai năm 1665. Đây là lần đầu tiên tung ba thiếu nữ (Gioanna, Maria và Luxia) cho voi giầy

2.2  Ngoài Bắc dưới Thời các Chúa Trịnh (1627 - 1786)

Có 17 Sắc Chỉ dưới thời Chúa Trịnh Tráng (1627-1658): 5 Sắc Chỉ vào năm 1629 lần đầu tiên tại Bắc Việt và các năm 1632, 1635, 1638, 1643.
  • Chúa Trịnh Tạc (1658-1682): 3 Sắc Chỉ vào năm1658, 1663, 1669.
  • Chúa Trịnh Căn (1682-1709): 1 Sắc Chỉ vào năm 1696.
  • Chúa Trịnh Cương (1709-1729): 4 Sắc Chỉ vào năm 1709, 1712, 1721, 1722.
  • Chúa Trịnh Giang (1729-1740): 1 Sắc Chỉ vào năm 1736.
  • Chúa Trịnh Doanh (1740-1767): 2 Sắc Chỉ vào năm 1754, 1765.
  • Chúa Trịnh Sâm (1767-1782): 1 Sắc Chỉ vào năm 1773.
Trong thời các Chúa Trịnh Cương và Trịnh Giang, Dòng Tên đã đóng góp xương máu vào dòng giống Tử Đạo Việt Nam. Cha Messari chết rũ trong tù ngày 15-6-1723, và ngày 11 tháng 10 cùng năm đến lượt Cha Bucharelli bị hành quyết tại Đồng Mơ cùng với 09 Thầy Giảng và Giáo dân. Năm 1736 bốn Linh Mục Dòng Tên khác là Alvarez, Cratz, D'Abreu, và Da Cunha bị trảm quyết; hai Thầy Việt Nam bị đánh giập đầu gối; một Thầy chết trong tù, còn Thầy kia bị đày chung thân biệt xứ.

2.3. Nhà Tây Sơn (1775 - 1800)

Năm 1775, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, và Nguyễn Huệ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn, chiếm được thành Qui Nhơn làm căn cứ khởi phát của phong trào mà sau này sử gia gọi là Phong Trào Tây Sơn hay Nhà Tây Sơn.
Sau khi lấy xong Phú Xuân, dứt Nhà Nguyễn, Nguyễn Nhạc lên làm vua lấy đế hiệu là Thái Đức, xưng Trung Ương Hoàng Đế, đóng đô ở Qui Nhơn.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi, xưng là Quang Trung Hoàng Đế. Sau khi đánh tan quân Nhà Thanh Trung Hoa, Quang trung đóng đô ở Phú Xuân, bãi ngôi vua của Thái Đức Nguyễn Nhạc, chỉ cho Nhạc hưởng thuế một vùng Bình Định.
Dưới Nhà Tây Sơn, có 05 Sắc Chỉ cấm đạo:
  • Dưới Thái Đức Nguyễn Nhạc, ban hành 02 Sắc Chỉ Cấm Đạo năm 1779 và 1785.
  • Dưới Triều Cảnh Thịnh, trong tay Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, ban hành 02 Sắc Chỉ Cấm Đạo cùng một năm 1795.
  • Dưới thời quyền thần Ngô Văn Sở ở miền Bắc, Cảnh Thịnh ban hành Sắc Chỉ năm 1799.
Đặc biệt, vua Quang Trung không ban hành một Sắc Chỉ nào. Quan Thái Phó Trần Quang Diệu là người chống lại việc cấm đạo. Ông chống đối lại việc bắt bỏ tù và đày đoạ các Giáo Sĩ và giáo dân. Vợ chồng Thái Phó (Phu nhân là nữ tướng Bùi Thị Xuân) rất có cảm tình với các Giáo Sĩ Thừa Sai.
Cuộc tàn sát năm 1798 ghê gớm hơn cả, với những màn tra tấn dã man như tẩm dầu vào các đầu ngón tay, hay đổ vào rốn, trước khi châm lửa, hoặc treo ngược đầu "tội nhân" xuống... Các cơ sở Công Giáo tại Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hoá: nhà thờ, nhà xứ, tu viện, trường học, đều bị cướp phá, dân chúng chạy vào rừng trú ẩn lánh nạn.

2.4. Vua Minh Mạng (1820 - 1840)

Riêng đời Minh Mạng, nhà Vua ban hành 07 Sắc Chỉ Cấm Đạo.
Các sử gia Âu Châu khi viết về những cuộc bách hại tôn giáo tại Việt Nam thường tặng vua Minh Mạng danh xưng: "Néron của Việt Nam", vì Hoàng Đế Néron hồi xưa khét tiếng tàn bạo hung dữ trong những cuộc lùng bắt đạo Công Giáo tại thủ đô Rôma và trong đế quốc La Mã.
Trong tổng số 117 vị hiển Thánh Tử Đạo, một nửa (58 vị) đã bị hành quyết trong vòng 20 năm vua Minh Mạng cầm quyền, đặc biệt vào các năm 1838 và 1839.
Là một ông Vua thông minh nhất triều Nguyễn, Minh Mạng đã sáng chế và áp dụng nhiều biện pháp cấm đạo tinh vi, tàn nhẫn và độc ác.
Với các Giáo Sĩ ngoại quốc, Nhà Vua cho lệnh tập trung tất cả về Huế. Bề ngoài nói tránh đi là nhà Vua cần đến các vị để dịch sách ngoại ngữ ra tiếng Việt, nhưng thực ra là để cầm chân các nhà truyền Đạo, không cho họ hoạt động và liên lạc với giáo đoàn. Trong khi đó chờ cơ hội có tàu ngoại quốc cập bến là đẩy số Thừa Sai này về nước, đồng thời không cho vị Thừa Sai mới nào được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Chính sách "phân sáp" để tát nước bắt cá nhằm tiêu diệt các cơ sở, các tổ chức Công Giáo địa phương, nhất là giăng màn lưới kiểm soát gắt gao để lùng bắt các Đạo Trưởng người bản xứ.
Nhà vua đã ký 07 Sắc Chỉ vào những năm 1825, 1826, 1830, 1833, 1834 1836 và 1838. Biết trong Giáo Lý Công Giáo có "Điều Răn" và nhiều lễ cử hành trong năm, Minh Mạng cho soạn 10 điều răn gọi là Thập Điều ban hành ngày 15-7-1834 được coi như một biện pháp tinh thần nhằm ngăn chặn "Tà Đạo". Nhà vua ra lệnh Hương Lý phải tập trung dân ở Đình Làng để dạy Thập Điều Huấn Dụ:
1. Giữ luân lý
2. Chính tâm thuật
3. Chăm bản nghiệp
4. Chuộng tiết kiệm
5. Hậu phong tục
6. Dạy con em
7. Học đạo chính
8. Răn gian dâm
9. Giữ theo pháp luật
10. Làm điều thiện

Điều thứ 7 "Học đạo chính" nhằm chống lại Công Giáo. Quan chức địa phương bắt cả người Công Giáo phải học Thập Điều và được niêm yết trên khắp các nẻo đường bắt dân chúng phải học tập và tuân hành. Chủ ý của nhà vua là để cho đầu óc người dân khỏi bị tiêm nhiễm các thứ Giáo Lý ngoại bang. Riêng đối với người Công Giáo, là để thay thế cho 10 điều răn đạo Chúa.
Ngoài ra các quan trong nước dâng sớ lên vua vào năm 1826 - 1830 xin nhà vua thẳng tay tiêu diệt đạo trưởng Thiên Chúa Giáo bằng án tử hình, viện cớ rằng các vị Thừa Sai tổ chức từng xứ đạo, có nghĩa là chia nước ra nhiều đại hạt chỉ huy như một chính quyền và giáo dân triệt để tuân theo. Những vụ tàn sát ở Nghệ An, ở làng Dương Sơn: linh mục, giáo dân bị bắt, bị xử. Nhất là tại Nam Định do bàn tay khát máu của tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Cuối năm 1837 ông bị nhà vua triệu về Kinh khiển trách nặng lời, vì chưa thẳng tay với cộng đoàn Công Giáo miền Trung Châu và Duyên Hải Bắc Việt là hai địa điểm từ xưa đến nay vẫn là trung tâm Công Giáo phồn thịnh. Từ Huế trở về Nam Định, Trịnh Quang Khanh mang theo món quà 40 ảnh Thánh Giá cỡ lớn, quà của Vua trao tặng, và 06 ngàn quân binh. Ảnh Thánh Giá được mang đặt tại khắp các cửa ngõ trong thành phố, và các làng xóm trong các xứ Đạo mỗi khi có những cuộc hành quân bách đạo, trong khi đó từng ngàn quân mới được tiếp viện chạy đi bao vây khắp nơi, xua hết mọi gia đình Công Giáo ra ngoài, ép buộc họ phải bước lên ảnh Thập Giá. Bước lên Thập Giá có nghĩa là từ bỏ Đạo Thánh. Ba năm cuối đời Minh Mạng là những năm đau khổ nhất cho Giáo Hội Bắc Việt thời đó. Đức Giám Mục Retord thuộc Hội Thừa Sai Paris diễn tả: "Không thể trốn thoát được nữa, vì không còn chỗ nào đủ tối để lẩn tránh trước hàng trăm nghìn con mắt rình rập"

2.5. Vua Thiệu Trị (1840 - 1847)

Có 02 Sắc Chỉ.
Sang đời Thiệu Trị, cuộc bách hại vẫn tiếp tục, nghĩa là vua vẫn để cho thi hành những Sắc Chỉ đã được công bố đời vua Minh Mạng, mặc dầu trong một vài địa phương đã có phần giảm độ gắt gao. Tại Phúc Nhạc (Ninh Bình), Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành, tức bà Thánh Đê - vị thánh nữ duy nhất mới được tôn phong - bị bắt, vì can tội chứa chấp Đạo Trưởng, đó là hai cha Thừa Sai Berneux và Galy. Bà đã anh dũng xưng Đạo và cam chịu các cuộc tra tấn dã man đến chết trong tù. Cũng như Linh Mục Phêrơ Khanh bị trảm quyết năm 1842 và thánh Mathêu Lê Văn Gẫm bị xử năm 1847. Đế năm 1847, sau khi thất bại trong cuộc tranh chấp với đoàn tàu Pháp tại cửa Hàn, vua phản ứng bằng cách đổ hết tội lỗi trên đầu người Công Giáo, và ngày 3-5-1847 vua ban hành sắc lệnh lùng bắt các Linh Mục Thừa Sai ngoại quốc.

2.6. Vua Tự Đức (1847 - 1883)

Có 13 Sắc Chỉ
Nếu tính số Sắc Chỉ bắt đạo, dưới thời Tự Đức lên tới 13 Sắc Chỉ ban hành vào những năm 1848, 1851, 1855. Riêng trong năm 1857 có 4 Sắc Chỉ, năm 1859 có 2 Sắc Chỉ, và năm 1860 có 4 Sắc Chỉ cuối cùng. Nhiều lệnh như thế minh chứng quyết tâm nhà vua muốn tận diệt Đạo Thiên Chúa bằng mọi giá, và tận diệt suốt trong 36 năm chấp chính. Chúng ta sẽ thấy nội dung những sắc lệnh đó khủng khiếp tới mức độ nào.
  • Đạo Công Giáo được định nghĩa không những như một Tả Đạo mà còn tệ hơn nữa, như một tôn giáo xấu xa, "một dịch tể". (Sắc Chỉ 7-6-1857)
  • Lệnh cho các xã uỷ, cai tổng (Sắc Chỉ tháng 5 năm 1857): Ai không tuân theo sẽ bị cách chức (sắc Chỉ 7-6-1857)
  • Lệnh cho Triều Đình và các Quan địa phương (Sắc Chỉ 24-8-1860).
Theo các sắc lệnh trên đây, phải bắt tất cả mọi thành phần Công Giáo.
  • Hết mọi thanh niên trên 15 tuổi phải trình diện thường xuyên theo thời gian nhất định (lệnh 17-1-1860). Người Công Giáo, dù học giỏi, có khả năng, cũng không được giữ chức vụ nào (lệnh 19-9-1855).
  • Đặc biệt nhắm vào giới ngư phủ, vì họ luôn luôn di chuyển và thường là chỗ ẩn náu cho các Đạo Trưởng (lệnh 18-9-1855).
  • Những người chứa chấp Đạo Trưởng sẽ bị phân thân và buông sông (lệnh 30-3-1851).
  • Giáo dân không chịu đạp Thánh Giá sẽ bị khắc hai chữ Tả Đạo trên mặt và đi đầy biệt xứ (lệnh 18-9-1855). Ai cố chấp xưng đạo: Đàn ông sẽ bị cưỡng bách tòng quân, đàn bà bị tuyển làm nô tì cho các quan (lệnh 7-6-1857)
  • Bắt các thành phần trong Hội Đồng Giáo Xứ (lệnh tháng 10 năm 1959)
  • Binh sĩ Công Giáo không đạp ảnh Thánh Giá sẽ bị giải ngũ, bị khắc hai chữ Tả Đạo và bị đầy chung thân (lệnh tháng 12-1859).
  • Giới Quan Lại Công Giáo: cả những ai đã chối Đạo cũng bị cách chức. Những ai trung kiên sẽ bị trảm quyết (lệnh 15-12-1859).
  • Các nữ tu, không được cấp giấy thông hành để di chuyển ngoài địa phương mình đang ở. Vì họ là những liên lạc viên đắc lực. Ai không tuân lệnh sẽ bị tù chung thân, hay làm nô tì cho các Quan (lệnh 17-1-1860 và lệnh tháng 7-1860).
  • Các Linh Mục Việt Nam, đạp Thánh Giá hay không đều bị phân thân để nêu gương. Linh Mục ngoại quốc thì bị trảm quyết, đầu phải treo luôn 03 ngày, rồi buông sông hay ném xuống biển (lệnh 15-9-1855).
  • Các cơ sở Công Giáo, bị đốt phá và tiêu huỷ (lệnh 18-9-1855 và 8-12-1857). Nhất là cơ sở tại Vĩnh Trị, phải phá huỷ bình địa (lệnh 1-12-1857).

3. Những cuộc Bách hại do nhóm Văn Thân (1885 - 1886)

Chính lý ra những cuộc bách hại đã chấm dứt dưới thời Tự Đức, vì theo khoản 9 của hiệp ước Giáp Tuất ký giữa Việt Nam và nước Pháp ngày 15-3-1874, vua Tự Đức đã ký nhận "quyền tự do theo Đạo và hành Đạo của người Công Giáo". Tuy nhiên lịch sử còn ghi chép là sau vua Tự Đức, sự bắt bớ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam vẫn tiếp tục, không kém phần dữ dội tàn bạo, và diễn tiến trong hoàn cảnh rối ren khác biệt. Các vua kế vị Tự Đức là:
  • Hiệp Hoà, lên ngôi chấp chính được 4 tháng rồi sau đó bị ép buộc phải uống thuốc độc quyên sinh.
  • Kiến Phúc, lên ngôi lúc mới 15 tuổi.
  • Hàm Nghi, lên kế vị lúc 12 tuổi.
Do đó, mọi quyền hành điều khiển quốc sự, giữa lúc đang phải đương đầu với ngoại xâm lại năm trong tay các vị đại thần: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Kết quả đưa đến chỗ đại bất hạnh cho đất nước: Qua hai hiệp ước 1883 và 1884, Việt Nam mất nước về tay Thực Dân. Lãnh thổ chia làm 3, Nam kÿ và các thành phố Qui Nhơn, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng và Hà Nội trở thành thuộc địa Pháp. Từ Thanh Hoá vào đến Bình Thuận thuộc Nam Triều, từ Ninh Bình ra Bắc do Khâm Sai Bắc Kÿ nhưng cả Trung và Bắc đều đặt dưới quyền Bảo Hộ của Pháp. Quyền thần Tôn Thất Thuyết mưu đánh úp Pháp ở thành Mang Cá nhưng thất bại, kinh thành Huế chìm trong biển lửa và chết chóc. Vua Hàm Ngi bỏ kinh thành chạy về Tân Sở, xuống chiếu Cần Vương kháng Pháp. Như một cục than hồng ném vào biển dầu, phong trào Văn Thân Cần Vương bùng lên khắp nơi, tự động tự phát, với khẩu hiệu "Bình Tây Sát Tả" lan rộng trên khắp ba miền Bắc Trung Nam, và con vật hy sinh, một lần nữa, cũng lại là người Công Giáo rải rác trên khắp toàn quốc. Cuộc bách hại tàn ác vì lợi dụng hoàn cảnh "đục nước béo cò": chỉ trong mấy năm văn Thân, số người Công Giáo bị tàn sát vì tín ngưỡng đã lên cao gần bằng tổng số tín hữu đã hy sinh trong hơn hai thế kỷ bách hại, từ đời các Chúa Trịnh Nguyễn cho tới hết đời Tự Đức.
Những cuộc tàn sát thật ác liệt rùng rợn, từng lớp người, kể ra từng trăm từng ngàn, cứ mỗi lần phải qua một cơn bách hại là cứ tiếp tục ngã xuống , như những trái sung rụng trước cơn gió lộng. Người ta ước lượng, dưới thời các Chúa Trịnh Nguyễn và Tây Sơn có chừng 30.000 giáo dân bị giết. Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức có chừng 40.000 giáo dân bị xử tử hay chết trong lao tù. Nhưng dưới thời Văn Thân có tới trên dưới 60.000 người Công Giáo bị sát hại, chỉ vì là thành phần trong dân Thiên Chúa. Linh Mục Trần Văn Phát nguyên là Tổng Quản Giáo Phận Huế, cho biết những chi tiết rùng rợn "độ 100.000 đấng Tử Đạo: khoảng 58 vị Giám Mục và Linh Mục ngoại quốc, 150 vị Linh Mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 01 Chủng Sinh, 270 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và 99.182 giáo dân".
Hồi đó vua cảnh Thịnh (1798) ra lệnh tàn sát các họ đạo, dân chúng, trên đường thoát nạn, bồng bế con cái chạy và ẩn nấp trong rừng La vang, và nơi đây theo tục truyền, đã được Đức Mẹ hiện ra an ủi và bảo vệ. Thời kÿ này phong trào Cần Vương đang tung hoành với khẩu hiệu "Bình Tây Sát Tả", tức là đuổi quân Tây Phương, diệt Tả Đạo, đem từng ngàn binh đội đến vây hãm tứ phía làng Trà Kiệu, nhất là từ hai ngọn đồi Bửu Châu và Kim Sơn liên tục bắn phá...Họ Đạo Trà Kiệu khác nào một hòn đäo bé nhỏ nằm dưới thung lũng, làm mồi cho những cuộc tấn công liên tiếp 21 ngày đêm, từ mồng 1 tới 21 tháng 9 năm 1885. Nhưng Trà Kiệu đã được một "Bà mặc áo trắng" từ trên ngọn tháp đền thờ, bồng con đỡ đạn cho đám dân Công Giáo đang cầm cự bên trong.
Người thời nay đọc lại những trang sử hào hùng đó vẫn còn tự hỏi: với sức lực nào Giáo Đoàn Việt Nam hồi xưa đã lướt thắng những cơn đại hoạ như thế? Họ chỉ có một bí quyết thần diệu, đó là:
Niềm tin sắt đá vào lời Chúa đã tiên báo: "Người ta sẽ điệu các con ra trước pháp trường. Các con sẽ bị đánh đập trong các hội đường, bị truy tố trước mặt vua quan vì danh Thầy, như thế các con sẽ làm nhân chứng trước mặt các chức quyền và các dân ngoại" (Mat. 10,1718). "Nếu họ đã bắt bớ Thầy , rồi cả các con cũng bị bắt bớ" (Gioan 15,20).
Niềm cậy nơi Thiên Chúa quan phòng công minh và nhân hậu: "Đức Giêsu, con Thiên Chúa, đã biểu lộ tình thương đến mức độ hy sinh mạng sống vì ta. Do đó, không ai có thể yêu thương hơn người đã thí mạng sống mình vì Chúa và vì anh em" ( I Gioan 3,16. Gioan 1,13). Nói cách khác, bắt chước gương Chúa, hy sinh bản thân cho đến chết, tức là minh chứng rõ rệt mình mến Chúa và theo Chúa một cách hoàn hảo nhất. Tử Đạo là con đường thẳng, và ngắn hơn cả, đưa chúng ta vào đời sống hạnh phúc trường sinh.
Nhất là cảm mến, vừa sâu xa vừa nồng nàn dành cho Chúa Kitô, vị Tử Đạo tối cao và là phần thưởng bền bỉ muôn đời: "Các con hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời rất lớn lao" (Mat. 5,12).
Tiêu biểu cho cả đại đoàn hơn 130.000 tín hữu đã hy sinh mạng sống vì Đức Tin, ngày nay Giáo Hội Việt Nam nhìn lên tấm gương cao vượt của 117 Hiển Thánh Tử Đạo của mình, các Ngài đã Tử Đạo trong các thời vua chúa:
  • 02 vị đã bị xử dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740 - 1767)
  • 02 vị đã hy sinh dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782)
  • 02 vị đã chết vì sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1781 - 1782)
  • 58 vị đã chết trong thời vua Minh Mạng (1820 - 1840)
  • 03 vị đã chết dưới thời Thiệu Trị (1840 - 1847)
  • 50 vị đã chết bởi bàn tay hung ác Tự Đức (1847 - 1883)
Các Ngài, theo thị kiến của Thánh Gioan, tác giả cuốn Khải Huyền, là những người "tay đang cầm ngành lá chiến thắng... là những người từ những cơn đại hoạ trở về. Họ giặt áo mình trong máu Con Chiên" (Khải Huyền 7,9 và 13,14). Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã hiên ngang lãnh cái chết bằnh nhiều hình khổ dã man như:
  • 75 vị đã bị xử trảm quyết (bị chém rơi đầu),
  • 22 vị bị xử giảo (bị giây thừng thắt cổ),
  • 09 vị bị tra tấn và chết rũ tù,
  • 06 vị bị thiêu sống,
  • 05 vị bị lăng trì (bị phân từng mảnh thân thể và bị xẻo từng miếng thịt)
Kiên cường chịu đựng như trên, có nghĩa là ân sủng Chúa hoạt động trong linh hồn các Thánh trong giờ Tử Đạo đã lên tới mức tột độ: "Tình yêu hùng mạnh như tử thần, lòng ganh tị của tình yêu mãnh liệt như âm phủ, ngọn lửa tình yêu là ngọn lửa hào hùng nung nấu. Tình yêu, dù thác lũ cũng không thể dập tắt, dù hồng thuỷ cũng không thể nhận chìm" (Diệu ca 6,67).

4.Những lý do Đạo Chúa Kitô  bị bách hại

  • Nhà viết sử Lê Thành Khôi cho rằng: "Các vua Việt Nam cấm đạo không phải vì cuồng tín, nhưng vì các ông muốn bảo tồn nền thống nhất quốc gia về tinh thần và chính trị? Việc người Công Giáo không thờ cúng tổ tiên làm thương tổn đến nền thống nhất tinh thần ấy... Các Thừa Sai đã khuyến khích các giáo hữu tân tòng đứng lên chống chính quyền để lập nên một chính phủ phò Công Giáo". Nói như vậy, ông Khôi đã tỏ ra chưa nghiên cứu kỹ về Giáo Lý đạo Công Giáo, ông cũng không có một phán đoán khách quan để hướng dẫn độc giả.
  • Trong mười Giới Răn, có giới răn thứ bốn buộc thảo kính cha mẹ. Thảo kính có nghĩa là yêu mến, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ lúc còn sống, cả khi các ngài đã qua đời, cũng có thể giúp đỡ qua lời cầu nguyện, qua lễ Misa, nhưng họ chỉ thờ một Chúa. Có thừa Sai nào khuyến khích giáo hữu chống chính phủ? - Câu trả lời tuyệt đối là không.
4.1. Vì cuồng tín
  • Linh Mục Phan Phát Huồn sau khi trình bày những lý do tại sao các vua Việt Nam đã cấm đạo Công Giáo, đã kết luận: "Vĩ cuồng tín mà các vua chúa Việt Nam đã hạ dụ bắt Đạo. Sự cuồng tín đã thúc đẩy các ông chém giết người Công Giáo".
4.2. Vì sợ mất ảnh hưởng
  • Khi thấy các Linh Mục thuyết phục được nhiều người nhập đạo Công Giáo, các nhà sư, các thầy cúng mất tín đồ, mất ảnh hưởng liền bắt đầu vu cáo là các linh mục Thừa Sai là những tay phù thuỷ chiêu mộ người làm nô lệ cho các vua Bồ Đào Nha".
4.3. Vì các bà vợ lẽ sợ mất chồng
  • Vì Giáo Lý Công Giáo dạy "nhất phu nhất phụ". Chúng ta nghe cha Đắc Lộ nói: "Cơn giông bão đầu tiên đã nổi lên cũng từ một lý do đưa đến sự rối loạn trong trần gian thời khởi thuỷ, đó là các bà vợ bị các ông chồng Kitô hữu mới loại bỏ để chỉ giữ lại một, các bà bị loại bỏ này đã kêu gào làm toàn thể vương quốc bị rung động.
4.4. Vì dị đoan
  • Khi gặp trời hạn hán, các nhà sư đổ tội cho tại các tín đồ Cố Đạo giảng đạo lạc nên Thần Phật giận không ban mưa. Năm 1617, lệnh đầu tiên trục xuất các vị Thừa Sai vì lý do này. Họ cũng xin cấm Giáo hữu đeo ảnh tượng ra ngoài kẻo "người chết trên Thập Tự chọc giận tổ tiên".
4.5. Vì ghen ghét và đố kỵ
  • Đây là lý do quan trọng nhất thuộc về phạm vi tư tưởng, học thuật, định chế văn hoá tinh thần và kể cả cơ cấu quốc gia ở thượng tầng.
  • Theo Khổng Giáo với quan niệm triệt để tôn quân thì Vua là "thế thiên hành đạo", Vua thừa mệnh trời trị dân. Chỉ Vua mới có quyền tế trời ở đàn Nam Giao. Vua là vị "Giáo chủ Thượng Phẩm", vua mới có quyền phong thần cà kể cả quyền phá huỷ Chùa, Đình, Đền. Đẳng cấp Nho Sĩ là đẳng cấp lãnh đạo tinh thần và là đẳng cấp triệt để thờ Vua. Tế Nam Giao ở Triều Đình, tế thần ở thôn xã và cúng tổ tiên ôang bà đã thành định chế của nghi lễ. Đó là lý do khiến Vua, Triều đình và đẳng cấp Nho Sĩ coi Công Giáo là Tả Đạo "mê hoặc lòng người" khi rao giảng về đời sau và cho rằng xúi bẩy thần dân của Vua "sao lãng bổn phận Vua tôi, cha con, cợ chồng".
4.6. Vì lý do chính trị
  • Các quan sợ người Công Giáo tăng số và có tổ chức sẽ trở thành lực lượng chiếm chính quyền, hoặc giúp thực dân chiếm chính quyền khi có biến.
4.7. Vì tham tiền
  • Các quan địa phương doạ bắt các Thừa Sai, Giáo hữu để nhận những món tiền chuộc, hoặc phần thưởng của triều đình và được phong chức. "Ai bắt được Đạo Trưởng Tây Dương sẽ được thưởng 3 trăm lạng bạc và thăng quan chức" (Tự Đức tháng 8-1859). Nơi nào không có tiền bạc đút lót đã bị bắt bớ chém giết nhiều hơn.

5. Việc phong thánh cho 117 vị chân phước Tử Đạo Việt Nam

  • VRNs (18.11.2012) – Sài Gòn – Việc phong thánh cho 117 vị chân phước Tử Đạo Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ XX đã gặp phải sự khó khăn. Không chỉ có nhà cầm quyền Việt Nam, mà ngay cả trong lòng Giáo hội Công Giáo Việt Nam, nhiều vị có thẩm quyền về đức tin cũng phản đối quyết liệt không kém gì người không biết Chúa. Nhưng việc Chúa muốn thì đã thành hiện thực, đến nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có 117 vị Hiển Thánh mà toàn thể Giáo Hội sẽ mừng kính vào ngày 24.11.
  • Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn, TGM giáo phận Hà Nội, đã đệ trình thỉnh nguyện thư xin phong thánh trong giai đoạn Công giáo Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Khi làm việc đó, ĐHY Trịnh Văn Căn bị cô lập với chính anh chị em, tự cho mình là khôn ngoan trong Giáo hội, mà không cần ơn Chúa. Đối với chính quyền, tuy không có lệnh quản chế nào, nhưng họ đã cho công an theo dõi, vây quanh Tòa giám mục Hà Nội. Sự cô đơn này, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt mới đây cũng bị nếm trải tương tự khi lên tiếng bảo vệ Giáo hội và công đồng dân chúng bị ức hiếp, bỏ rơi.
  • Sự can đảm của một vị Hồng Y là bài học cho mỗi tín hữu Công giáo Việt Nam, khi biết và thấy điều đúng thì làm, dù những anh em đồng đạo không ủng hộ, thậm chí chống lại việc tốt ấy. 
Dẫn lời: Linh mục Phạm Trung Thành - Giám Tỉnh DCCT VN chia sẻ trong thánh lễ

5. 1 Chung quanh lễ Phong Thánh các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam

Thứ ba - 18/06/2013 06:47
Ngày 25.8.1985, vào quãng 10 giờ đêm, Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn đến kêu tôi ở Nhà Phát Diệm tại Rôma.
Đức ông Vinh sơn Trần Ngọc Thụ
5.1.1 Được giao công tác
  • Ngày 25.8.1985, vào quãng 10 giờ đêm, Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn đến kêu tôi ở Nhà Phát Diệm tại Rôma. Hai chúng tôi đi bách bộ ngoài hành lang chừng 20 phút. Ngài hỏi:
  •  Cha có biết vì sao mỗi lần tới Rôma, tôi hay đi viếng đền Thánh Rita không? (Đền Thánh Rita tại Cascia, Tỉnh Perugia, miền Bắc Ý. Thánh Rita nổi tiếng hay làm phép lạ trong những trường hợp khó khăn).
  • Thưa Đức Hồng Y (ĐHY), chắc là tại ĐHY có nhiều khúc mắc, nhiêu khê!
  • Cha nói đúng. Vấn đề nhiêu khê chính là vấn đề xin phong thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo VN. Trước kia, rồi đến đời Đức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê, đã 4 lần xin các vị ngoại quốc đảm nhiệm, nhưng rồi vẫn chưa tới đâu. Tuy nhiên, đây là vấn đề tha thiết và khẩn trương. Ngày nay đã có nhiều linh mục Việt Nam tại Rôma, trong số đó, có cha và cha đã có kinh nghiệm nhiều năm tại Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn, tôi muốn giao công tác này cho cha, nhưng cha phải cho biết có đồng ý nhận hay không?
  • Ngay lúc đó vì quá bất ngờ, tôi rất phân vân không biết tính toán làm sao! Nhưng tôi tự nhủ: mình là con cái của Giáo Hội Việt Nam, cho dù từ cuối năm 1976, tôi còn đang mang số mệnh ra đi không hẹn ngày về, còn ĐHY hồi đó là Tổng Giám mục Hà Nội, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), tôi nhận các ngài là đại diện của Thiên Chúa, hôm nay, được sai khiến, dù muốn dù không, mình phải vâng lời!
  • Và tôi đã thưa: Vâng, con xin nhận. Ngay lúc đó ĐHY rút từ trong túi áo một văn thư đã đánh máy, đã đóng ấn, đã kí sẵn: Lá thư ủy nhiệm cho tôi làm Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo VN. Thì ra ngài đã sắp xếp mọi sự trước rồi, vì sáng hôm sau, ngày 26.8.1985, ngài lên đường về Hà Nội, để rồi ba bốn năm sau Đại lễ Phong thánh ngài mới trở lại Rôma.
  • Lãnh trách nhiệm rồi mà thâm tâm tôi vẫn cảm thấy mình như chim chích vào rừng. Chuyện Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh xưa nay chỉ nghe nói một cách mang máng vậy thôi, chứ nào có ý nghĩ gì rõ ràng đâu! Rồi tiểu sử cả 117 vị thánh, chứ có phải một hai vị? Tìm đâu ra tài liệu đầy đủ? Trong khi đó, lúc trao công tác, Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn cố tình đặt hai điều kiện rõ rệt: phải làm trong im lặng, đừng có rùm beng, và phải làm mau hết sức, một hai năm tối đa, cho tới khi nào được Đức Giáo Hoàng châu phê và công khai tuyên bố, lúc đó mới chắc ăn, vì Ngài sẽ không thể rút lại lời đã tuyên bố công khai trước mặt thế giới!
5.1.2 Xúc tiến công việc
  • Trong thời gian tiến hành công tác được giao phó, thú thực, đã có lần chúng tôi cảm thấy hết sức băn khoăn. Đức Hồng Y quyết định một cách quá bất ngờ và không giới thiệu tôi với ai, để khi cần, tôi có chỗ nhờ cậy, và tham khảo ý kiến. Nhưng đàng khác, ngài rất đại lượng và thông cảm. ĐHY bảo tôi: "Cha chịu khó tự tháo vát lấy!". Thế là chúng tôi "phải" tự suy diễn và tự giải thích ý muốn của ĐHY:
  • Hàng Giám mục VN hồi đó, kể cả hai ba vị đang nghỉ hưu ở ngoại quốc, trên dưới 41 vị, nhưng đứng tên kí bản Thỉnh nguyện thư đệ lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I để xin phong thánh, vì hoàn cảnh năm 1985, chỉ có một mình Đức cố Hồng Y Trịnh Văn Căn trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN. Để cho người ta khỏi nghĩ các Giám mục VN quá lẻ loi, đơn độc, chúng tôi được khuyến khích kêu gọi hàng Giám mục ba nước khác có liên hệ: Pháp (120 Giám mục) có 10 vị tử đạo trong số các Chân phúc, Tây Ban Nha (80 Giám mục) có 11 vị tử đạo, Phi Luật Tân (120 Giám mục). Tuy Phi Luật Tân không có vị nào trong danh sách tử đạo sắp được tuyên thánh, nhưng theo tài liệu lịch sử truyền giáo thì hồi xưa, Thủ đô Manila vẫn là đầu cầu Thiên định. Các thừa sai từ Âu châu sang Á châu đi tầu thủy, ai cũng phải dừng chân tại đó, chờ ngày vào Việt Nam hay là đi nơi khác. Do đó, ba quốc gia nói trên (tất cả 320 Giám mục nữa), qua 3 Hội đồng Giám mục, đã gửi ba Thỉnh nguyện thư riêng biệt, đệ lên Tòa Thánh ủng hộ sáng kiến của Hội đồng Giám mục VN và thành khẩn xin Đức Gioan Phaolô I I phong thánh cho các Chân phúc Tử đạo VN.
  •  Để biểu dương tinh thần huynh đệ thiêng liêng giữa ba danh sách các Chân phúc Tử đạo Việt – Pháp – Tây Ban Nha, linh mục Cáo thỉnh viên Việt Nam đã xin Bộ Phong Thánh cho phép hai linh mục Cáo thỉnh viên Venchi, Dòng Đa Minh, đại diện Tây Ban Nha và Itcana, Hội Thừa Sai Ba Lê, cùng đứng tên trong một danh sách Cáo thỉnh viên, như thể là cả ba đã được chính HĐGMVN ủy thác và bổ nhiệm. Do đó, bất cứ đơn từ gì, hay hồ sơ nào đều được cả ba đồng ý kí và đồng chịu trách nhiệm. Sự kiện này đã đem lại nhiều thành công, nhất là khi cần đến sự nâng đỡ của Hội đồng Giám mục của hai nước bạn. Cũng nhờ đó mà Cáo thỉnh viên Việt Nam, trong 6 tháng đầu tiên, đã thu được rất nhiều tài liệu lịch sử quan trọng, vượt quá sự mơ ước của mình. Ngoài ra, khi tổ chức Đại lễ Phong Thánh, số tiền chi tiêu nguyên một ngày lễ 19.6.1988 đã tốn mất 32 triệu tiền Ý (chừng 23 ngàn Mĩ kim), hai Cáo thỉnh viên Pháp và Tây Ban Nha, tự coi mình như hai thành viên, đã xin Dòng Đa Minh Tây Ban Nha và Hội Thừa Sai Ba Lê, đóng góp mỗi dòng 1/3, tức 10 triệu tiền Ý. Việt Nam chịu 12 triệu, vì con số tử đạo đông hơn (Việt Nam 96 vị, Pháp 10 vị, Tây Ban Nha 11 vị).
5.1.3 Đi cấy ban đêm
  • Ôm mớ tài liệu nặng chĩu về phòng riêng, chúng tôi vẫn còn trong tình trạng như chim chích vào rừng, không biết khởi sự từ đâu! Tòa Thánh coi Vụ Án Phong Thánh là công việc hoàn toàn cá nhân, có nghĩa là: một tuần lễ 7 ngày thì 6 ngày chúng tôi cứ phải đi làm công sở Tỏa Thánh (6 buổi sáng và 3 buổi chiều). Để lo việc phục vụ các Thánh Tử Đạo, chúng tôi tự đặt cho mình thời khóa biểu riêng. Ngày nào cũng làm việc từ 21 giờ tối đến nửa đêm (3 tiếng đồng hồ) và liên tục một năm rưỡi (trên dưới 600 ngày). Lúc đầu, mỗi lần mở tập hồ sơ ra là trong lòng ngao ngán. Tập hồ sơ khác nào nắm tơ vò, rối rít chằng chịt. Phải mất mấy tuần lễ mới tìm ra đầu mối! Nhưng về sau, khi đã nhìn ra gốc ngọn, đọc hồ sơ các Thánh là cả một thích thú, một say mê, vì các Thánh đã đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Cũng là con người như chúng ta, các Chân Phúc Tử Đạo sống với mức độ phi thường. Đức tin của các ngài đã trở thành sắt đá, sức kiên trung chịu đựng, như đã là một tập quán tự nhiên, gian lao cực khổ được coi nhẹ như lông hồng. Mặc cho lao tù, thiếu thốn, nhục mạ..., tâm hồn các ngài lúc nào cũng an bình, hiên ngang, thanh thản. Mạng sống các ngài như con cá nằm trên thớt, nhưng phong độ con người các ngài vững vàng, cao cả. Hơn thế nữa, đối với vua quan đã ra lệnh xử tử các ngài cũng như đối với đội lính cầm gươm chém. giết các ngài, các ngài đã tỏ ra lễ độ, cư xử bác ái, không hận thù, nhưng tha thứ và cầu nguyện cho họ. Các ngài đã xác tín mãnh liệt vào Chúa Kitô tử nạn. Chính niềm tin sâu xa, quyết liệt này là bảo chứng các ngài đã thắng thế gian (1 Ga.5,4).
  • Chúng tôi cảm phục công lao các vị Thừa sai Pháp và Tây Ban Nha. Hồi xưa, các vị đã về mãi tận các xóm làng, các họ đạo Việt Nam, để điều tra tại chỗ về xuất xứ, lai lịch, họ hàng, cá tính của từng vị Tử đạo Việt Nam hay ngoại quốc, sau khi các ngài bị hành quyết vì đạo. Từng trăm ngàn trang giấy viết tay, đánh máy, bằng tiếng Việt hay ngoại ngữ, sau đó dịch ra La ngữ, đóng thành từng bộ hồ sơ. Hay là các đồ dùng, di tích, và cả xác các vị tử đạo cũng được mai táng hẳn hoi. Mỗi khi có cơ hội thì gửi qua Hong Kong, Macao..., chờ tầu thủy chở dần về Pháp hay Tây Ban Nha. Nhờ có những cuộc điều tra, bảo toàn với rất nhiều chi tiết tỉ mỉ ấy, mà ngày nay chúng ta mới có tài liệu chính xác và bằng chứng cụ thể.
  • Đến khi đi vào lịch sử bách hại của từng vị Thánh, dù bầu không khí ban đêm có yên lặng, đôi khi rét lạnh đi nữa, tự nhiên chúng tôi cảm thấy nóng hổi, hấp dẫn, hào hùng! Như lịch sử Thánh Giuse Maria Diaz An (Sanjurjo), Giám mục Bùi Chu, bị trảm quyết tại Bảy Mẫu ngày 20.7.1857. Lời vị Thánh: "Tôi để lại món tiền nho nhỏ 300 đồng này với lời thỉnh nguyện tha thiết là đừng chém tôi một nhát, nhưng xin chém ba nhát. Nhát thứ nhất để cảm tạ Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi và đã cho tôi phúc đến truyền đạo tại Bắc Việt. Nhát thứ hai để tỏ lòng tri ân cha mẹ tôi vì công sinh thành dưỡng dục tôi. Nhát thứ ba tôi để lại như một lời di chúc cho giáo dân (VN) của tôi. Đó là cầu cho họ được can đảm đón nhận cái chết như vị chủ chăn của họ với hi vọng sẽ được cùng nhau hưởng phúc quang vinh với các Thần Thánh trên trời" (Trần Ngọc Thụ. Giáo Hội Việt Nam, I I. Tiểu sử 21 Thánh Tử Đạo người ngoại quốc, Roma 1991, tr. 31-32).
  • Tấm gương của Gm. Giuse Maria An, cũng như từng trăm tấm gương anh dũng khác, là như dòng suối mát, với thời gian, đã chuyển sinh lực thấm sâu xuống lòng đất Việt Nam. Hồi khai nguyên truyền đạo mới có hai giáo phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659), nhưng ngày nay, Giáo Hội Việt Nam đã có tới 25 giáo phận, từ Lạng Sơn xuống tới Cần Thơ, Long Xuyên. Tất cả đều do hàng giáo phẩm VN phụ trách. Từ con số khoảng 500 ngàn giáo dân vào năm 1850, nay đã lên tới trên dưới 7 triệu tín hữu, rải rác trên toàn cõi Bắc Trung Nam. Từ một số ít các nữ tu Mến Thánh Giá còn sót lại sau những đợt bách hại, nay đã lên tới gần 7 ngàn chị em nữ tu, thuộc nhiều dòng tu khác nhau, đang hăng say phục vụ Giáo Hội. Cũng trong thời gian khởi sự, Tiểu Chủng viện đầu tiên được thiết lập trên một chiếc thuyền nan, luôn luôn di động nay đây mai đó để tránh né con mắt dò xét của nhà cầm quyền, thì hiện nay đã có năm sáu Đại Chủng viện liên giáo phận, có cả Giáo hoàng Học viện Đà Lạt (trước 1975), gần 2 ngàn linh mục tại quê hương và trên 600 linh mục khác ở hải ngoại đang liên tục thi hành mục vụ giữa các cộng đoàn giáo dân người Việt và bản xứ. Đã có các linh mục Việt Nam vào làm việc trong Giáo phủ Roma, trong ngành ngoại giao Tòa Thánh, trong hai Đài Phát Thanh Vatican và Chân Lí Manila, trong ban giảng huấn các trường Đại học tại Roma và các nước khác...Còn về giáo dân, đạo gốc có, tân tòng có, thường dân có, quan quyền có, binh sĩ có, ngày xưa họ đã từng bị bách hại khốc liệt, đã bị xử lăng trì, trảm quyết, bá đao, xử giảo, quăng vào lửa, buông xuống sông biển, phân sáp vào các làng bên lương...! Tổng cộng, hơn 130 ngàn giáo hữu đã gục ngã đau thương, chỉ vì một tội là theo đạo Gia Tô. Theo chương trình Thiên định, họ là hạt giống gieo xuống lòng đất, sẽ bị thối nát, để rồi nảy mộng vươn lên ánh sáng, thành cây tươi tốt, thành vườn hoa trăm màu nghìn sắc, báo hiệu mùa Xuân Giáo Hội huy hoàng. Trong lịch sử VN cận đại đã có nhiều tín hữu thành công trong đũ mọi lãnh vực, không thua kém đồng hương! Trên thượng tầng xã hội, các vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa giết hại người Công Giáo, nhưng về sau, một số vị đã nhận biết Thiên Chúa, chẳng hạn như các vua Thành Thái, Khải Định và Bảo Đại. (Tất cả những thành quả thăng tiến của GHCGVN trên đây sẽ được coi là phép lạ thiêng liêng thay thế cho phép lạ thực sự sau cùng mà lẽ ra, theo Giáo luật, phải có để tuyên thánh cho các Chân Phúc Tử Đạo VN).
  • Những ý nghĩ trên đây cứ thấp thoáng trong đầu óc chúng tôi giữa đêm khuya thanh vắng, trong khi chúng tôi đọc lại những trang sử hào hùng của các Thánh Tử Đạo VN. Những ý tưởng này xuất hiện như vầng sáng bình minh đang lên ở chân trời Việt Nam. Quá khứ và tương lai, từ chỗ mờ tối, cứ dần dần tỏa ra quang minh rực rỡ, đã làm rạo rực tâm hồn người cầm bút, và thêm sự khích lệ linh thiêng để chúng tôi tiếp tục công việc đã bắt đầu.
  • Sau thời gian gần 600 ngày nỗ lực làm việc, chúng tôi đã hoàn thành 2 công trình:
  • Giáo Hội Việt Nam, Tập I: Vụ Án Phong Thánh (125 trang, xuất bản tại USA, 1987) để trình bày với công chúng tài liệu căn bản về Lịch sử Vụ Án Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo.
  • Cuốn Compendium (Tổng quát) Vitae et Martyrii necnon Actorum in Causa Canonizationis Beatorum Andreae Dũng Lạc, Sacerdotis, Thomae Thiện et Emmanuekis Phụng, Laicorum, H. Hermosilla, Valentini Berrio Ochoa, O.P. et aliorum 6 Episcoporum, necnon Theophani Vénard, Sacerdotis M.E.P. et 105 Sociorum Martyrum.
  • Tập Tổng quát (Compendium) trình bày về: Lịch sử truyền đạo tại Việt Nam, lịch sử các cuộc bách hại tôn giáo thời đó, danh sách 117 Chân Phúc Tử Đạo, Thỉnh nguyện thư của HĐGMVN và thế giới, mấy dòng tiểu sử từng vị một. Cuốn này (87 trang khổ lớn, tên sách bằng La ngữ, nhưng nội dung bằng Ý ngữ) chỉ ấn hành 500 tập: 300 tập nộp cho Bộ Giám mục, 200 tập cho Bộ Phong Thánh, để các vị chuyên môn và thẩm quyền cứu xét, chờ ngày được Tòa Thánh công khai chấp thuận.
5.1.4 Cơ Mật Viện ngày 22.6.1987
  • Sáng Thứ hai, ngày 22.6.1987, hồi 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha Phaolô I I đã tới chủ tọa Cơ Mật Viện khoáng đại tại Gian Phòng Hoàng Tòa (Sala del Trono) tại Vatican. Khoáng đại là vì tất cả các vị Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục tại Tòa Thánh và các vùng phụ cận Roma đều được triệu tập (tất cả có 28 Hồng Y, 70 Tổng Giám mục và Giám mục); khoáng đại là vì ít khi mới có phiên họp Cơ Mật Viện, lần họp Cơ Mật Viện sau cùng hồi đó là ngày 24.2.1986; sau hết, khoáng đại là vì đề cập tới nhiều vấn đề quan trọng tới đời sống Giáo Hội.
5.1.5 Phiên họp Cơ Mật Viện (họp đóng cửa) chia làm hai phần:
  • Phần thứ nhất: Dành riêng cho Hồng Y đoàn. Trước khi khai mạc, theo thủ tục, viên chức phụ trách an ninh xướng "Extra omnes". Tất cả những ai không có phận sự phải ra ngoài phòng họp. Các vị Hồng Y bàn về các đề tài liên hệ tới việc quản trị Giáo Hội, thuyên chuyển các chức vụ trong Hồng Y đoàn, bổ nhiệm các Giám mục (năm đó 32 Tổng Giám mục, 94 Giám mục mới), thành lập các giáo phận mới (6 giáo phận và một Đan viện biệt hạt mới), nhất là khai mạc Năm Đức Mẹ.
  • Phần thứ hai: Cơ Mật Viện Phần I họp xong, cửa phòng mở ra. Tất cả 70 Tổng Giám mục và Giám mục đợi ở phòng ngoài được mời vào trong. Người duy nhất theo sau các vị Giám mục là linh mục Cáo tỉnh viên Vụ Án Phong Thánh cho các Chân Phức Tử Đạo VN. Nhật báo L' Osservatore Romano (Quan sát viên La Mã) ngay chiều 22.6.1987 đã loan tin Cơ Mật Viện Phần I I: Hồng Y Palazzini, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã trình lên 4 hồ sơ phong thánh:
  • Chân phúc Giuse Moscati (Ý), Bác sĩ và Giáo sư Đại học thành Naples,
  • Nữ tu Eustochio Calafato (Ý) sáng lập Dòng Đức Mẹ tại Messina, miền Nam nước Ý, Chân phúc Lorensô Ruiz (Phi Luật Tân) và 14 bạn (cũng người Phi) tử đạo tại Nhật Bổn,
  • 117 Chân Phúc Tử Đạo tại Việt Nam, đứng tên đại diện tất cả là Linh mục Anrê Dũng Lạc. Hồ sơ 117 Chân Phúc Việt Nam gây chú ý nhất, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2000 năm của Giáo Hội mới có một vụ tuyên thánh một lần tới 117 Vị.
  • Trước tiên, Luật sư Giulio Dante của Bộ Phong Thánh, bằng La ngữ, trình bày tính cách anh dũng tổng quát của Các Vị Chân Phúc. Sau đó, một viên chức của Văn phòng Quốc vụ khanh đọc lời yêu cầu của Đức Thánh Cha: Trước khi quyết định tuyên thánh, Ngài xin qúy vị Hồng Y, Tổng Giám mục và Giám mục góp ý kiến bằng cách viết hai chữ Placet (Thuận) hay Non Placet (Không thuận) và kí tên trên miếng giấy đã in sẵn, nhưng còn để trống. Hai viên chức nghi lễ cầm hai đĩa bạc lớn đi thu những lá phiếu. Sau khi kiểm phiếu và được sự đồng ý của toàn thể Cơ Mật Viện, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời cám ơn qúy vị đã tới tham dự hôm đó, rồi cho lệnh công bố tin vui mừng: Vụ Án Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam đã được châu phê.
  • Ra khỏi phòng họp, chúng tôi không làm sao nén nổi sự xúc động bên trong. Nó quá dào dạt! Chúng tôi ước gì có từng ngàn, từng vạn anh chị em giáo dân Việt Nam đứng ngay tại đây để hoan hô Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I! Giáo Hội Việt Nam được cưu mang từ thời vị thừa sai Inekhu nào đó, đổ bộ năm 1533 tại Ninh Cường (Bùi Chu), đời vua Lê Trang Tông xa xưa, tính tới 1988 đã 455 năm trường! Bao nhiêu công lao, nước mắt, gian khổ, bao nhiêu tính mạng chôn vùi trong quá khứ thầm lặng hơn 4 thế kỉ, hôm nay, chính Chúa Kitô phục hồi danh dự và dùng Vị Đại diện của Ngài ở trần gian để tuyên dương công trạng!
4.1.6 Ngày Phong Thánh
  • Theo thông lệ, khi xin nhật kì phong thánh, bao giờ cũng phải dự tính sẵn 3 ngày, để đề phòng trường hợp Tòa Thánh đã có chương trình xếp đặt nào khác thì mình cũng phải thay đổi theo. Lễ Phong Thánh Việt Nam đã xin vào ngày 29.6.1988, lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, nhưng người ta khuyến cáo không nên, vì sẽ bị hai Thánh Quan Thầy quá lừng danh của Thủ đô Roma lấn át mất. Đã có dự tính chuyển sang Chúa Nhật 26.6, nhưng cũng không ổn, vì hôm đó Đức Thánh Cha đi công du bên Áo quốc. Chỉ còn Chúa Nhật 19.6, nghĩa là xếp trước cuộc công du của Đức Thánh Cha một tuần lễ, vì trước sau ngày đó không còn cách nào khác. Đây là lí do duy nhất và dễ hiểu, chứ không hề có chuyện nghĩ tới, hay là mảy may muốn kỉ niệm Ngày Quân Lực VNCH như người ta đã cố tình gán ghép.
  • Hôm sau cuộc họp của Cơ Mật Viện, 23.6.1987, Đức Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh, đã gửi điện tín sau đây cho hàng Giám mục VN:
Kính gửi: Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn
Tổng Giám mục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
40, Phố Nhà Chung, Hà Nội
Tôi trân trọng báo tin Đức Hồng Y: Trong buổi họp Cơ Mật Viện sáng hôm qua, 22.6.1987, Đức Thánh Cha đã nghị quyết phong thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Ngày lễ long trọng phong thánh sẽ cử hành nội trong tháng 6 năm tới, vào một nhật kì sẽ định sau. Xác tín rằng nghị quyết trên đây có tầm mức quan trọng đối với Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, tôi đến chia sẻ với Đức Hồng Y niềm hân hoan thiêng liêng, cũng như hợp ý trong Đại Lễ Tạ Ơn thế nào cũng được tổ chức ghi ân Thiên Chúa, đấng ban phát mọi ơn lành. Hồng ân đặc biệt hôm nay chắc chắn sẽ là nguồn khích lệ mỗi người cố gắng làm nhân chứng sống đời đức tin và bác ái trong xã hội Việt Nam. Rất hi vọng rồi ra một số đông đảo giám mục, linh mục và giáo dân Việt Nam có thể tới tham dự lễ nghi phong thánh. Tôi xin gửi lại Đức Hồng Y những cảm tình huynh đệ được bảo đảm chân thành trong Chúa Kitô.
Kí tên: Agostino Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh
Rồi từ Việt Nam, ĐHY Chủ tịch HĐGMVN cũng không chậm trễ đáp từ:
Kính gửi: Đức Hồng Y A. Casaroli
Quốc Vụ Khanh
Điện Vatican
Hà Nội, 18 giờ 20 phút, ngày 26.6.1987
Con đã nhận điện văn của Đức Hồng Y. Toàn thể Giáo Hội Việt Nam vui mừng khi nghe tin Đức Thánh Cha nghị quyết phong Hiển thánh cho Các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam. Giáo Hội chúng con dâng lời thành kính cảm tạ sâu xa và hi vọng có thể đến đông đảo tham dự lễ nghi. Chúng con tri ân Thiên Chúa và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Xin Đức Hồng Y chuyển đạt lên Ngài lòng chúng con khăng khít trìu mến. Với Đức Hồng Y, chúng con dâng lời trân trọng biết ơn và cầu chúc chân thành.
Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn căn
Tổng Giám mục Hà Nội
Sự kiện pháp lí sau cùng là ngày 30.6.1987, bằng Văn thư số 196.245, Đức Tổng Giám mục Eduardo Martinez Somalo, hồi đó là Tổng Giám đốc Thường vụ Giáo Hội (Sostituto, ngang hàng với Tổng trưởng Nội vụ) chính thức thông báo cho ba Cáo thỉnh viên Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha là nhật kì phong thánh đã được Đức Thánh Cha xác định là ngày 19.6.1988. Ngay trưa hôm đó, sau khi đã báo cáo cho hai Cáo thỉnh viên đồng nghiệp tin vui mừng này để hai vị lại đưa tin về cho hai HĐGM Pháp, Tây Ban Nha, linh mục Cáo thỉnh viên VN đã gửi điện văn sau đây bằng La ngữ trình lên Đức Hồng Y Chủ tịch Trịnh Văn Căn: Con rất vui mừng kính báo Đức Hồng Y tin: Ngày 19 Tháng 6 sang năm, đã được Tòa Thánh hôm nay ấn định là nhật kì chính xác để cữ hành Lễ Phong Thánh các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam.
5.1.7 Trước ngày đại lễ
  1. Trong Vụ Án Phong Thánh Việt Nam, tất cả 117 Vị đã là Chân Phúc, đã được tôn vinh trong 4 đợt trước (những năm 1900, 1906, 1909 và 1951), đã có 4 phép lạ (bệnh nhân được chữa lành và được bác sĩ đoàn xác nhận. Trần Ngọc Thụ. Giáo Hội Việt Nam I. Vụ Án Phong Thánh, St. Michael Printing, USA., 1987, tr.48-54), chỉ còn việc làm lại hồ sơ, theo thủ tục hành chánh để nộp lên Bộ Phong Thánh. Bởi vì tất cả 117 Vị đều là Thánh Tử Đạo nên chỉ cần thêm một phép lạ duy nhất, hay là còn có thể xin Tòa Thánh tha cho nữa. Vì là một đặc ân quá lớn lao, chúng tôi xin chính Đức Hồng Y Palazzini, trong tư thế Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, đại diện cho hàng Giám mục Việt Nam, đứng tên xin Tòa Thánh tha điều kiện phép lạ. Lí do mạnh mẽ ủng hộ thỉnh nguyện này chính là sự thăng tiến kì diệu của Giáo Hội Việt Nam qua hơn 400 năm lịch sử hào hùng đã trình bày trước đây. Không thể giải thích sự thăng tiến đó ngoài Thiên định của Thiên Chúa: hơn 400 năm khai nguyên và phát triển hùng mạnh là một phép lạ triền miên.
  2. Tin ngày phong thánh vừa được Đức Gioan Phaolô I I tuyên bố khác nào tiếng sấm động, vang ran khắp năm châu bốn bể! Tinh thần giáo dân tự nhiên nổi dậy như sóng cồn, chỗ nào cũng nghe bàn tán chuyện đi Roma dự lễ phong thánh. Ủy Ban Phong Thánh được thành lập cấp tốc. Ba lần các linh mục VN khắp thế giới về họp tại La Mã để hoạch định chương trình và phân phối công tác tỉ mỉ cho từng cộng đoàn, từng lục địa. Các khách sạn lớn chung quanh Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô đã được giữ hết chỗ một năm trước. Người ta dự đoán số người về tham dự tối đa là 5000. Ba tháng trước đại lễ, con số vọt lên 6 ngàn, rồi 7 ngàn, sau cùng là 8250 giáo dân VN từ 27 nước trên 4 lục địa Á châu, Âu châu, Mĩ châu và Úc châu....Từng đoàn người tuốn về các ga xe lửa và sân bay Ý Đại Lợi. Thêm vào đó, 560 linh mục, tu sĩ nam nữ tới Roma với tư cách riêng, hay là tháp tùng các đoàn thể của mình theo tư cách Tuyên úy. Các tiệm bán ảnh tượng chung quanh Tòa Thánh Vatican, các tiệm ăn, thấy toàn là dân áo dài và khăn xếp VN. Trên các nẻo đường nghe rõ tiếng con cháu Rồng Tiên thao thao bất tuyệt và gọi nhau ơi ới. Sao mà vui nhộn đến thế! Tất cả rừng người này, chiều hôm Thứ Bảy (18.6.1988) sẽ kéo nhau về Quảng trường Thánh Phêrô để dự cuộc rước kiệu di hài Các Thánh Tử Đạo VN và dâng hoa kính Đức Mẹ.
  3. Cuộc rước kiệu là một cảnh tượng hết sức tân kì và vô cùng ngoạn mục, nhất là trước con mắt người ngoại quốc. Họ trèo lên tường, lên đế cột đèn điện, lên ghế cá nhân để bàn tán, chiêm ngưỡng. Đây là công lao vượt mức trong việc chuẩn bị, may sắm, tập dượt, từ ca nhạc đến đoản kịch, nghi lễ...đủ mọi bộ môn theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phải ca ngợi và thán phục tinh thần phục vụ tối đa của các giáo dân VN tại Mĩ châu trong dịp này. Từng đoàn qúy ông mặc áo thụng màu xanh, từng đoàn qúy bà mặc áo dài nhung, gấm màu đỏ; rồi đồng phục màu vàng của các ca đoàn, của 50 em thiếu nhi trong ban vũ đến từ Portland. Đấy là chưa kể đến các thiếu nữ trong đội lính thú thời xưa với binh phục nón cối xà cạp đỏ và Ban Văn Tế, đội chiêng trống, lọng chầu...với y phục nghi lễ Á Đông. Người bản xứ rất thích thú trước hoạt cảnh một vị hương chức trong y phục đại lễ cổ truyền với khăn xếp màu đỏ, cứ tiến một bước lại lui một bước, và trịnh trọng điểm một dùi trống lên mặt chiếc đại cổ (trống lớn) do hai chàng thanh niên vạm vỡ khiêng trên vai. Lúc 21 giờ đêm, từ Điện Vatican, chứng kiến cuộc rước kiệu này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I I đã cho lệnh mở cửa sổ Văn phòng để đích thân ban phép lành cho đoàn con VN đang diễn hành trên Quảng trường Thánh Phêrô.
  4. Ngày hôm sau, Chúa Nhật 19.6.1988, biển người nói trên lại tập trung về Quảng trường Thánh Phêrô, chung hàng ngũ với 10 ngàn người Tây Ban Nha, gần 4 ngàn người Pháp và chừng 10 ngàn du khách thập phương cùng với giáo dân người Ý nghe tin đồn thổi cũng muốn đến dự lễ Phong Thánh Tử Đạo VN. Vì ở vào giữa Tháng 6, nghĩa là đã giữa mùa Hè, mặt trời mọc lên sớm, khí hậu khá nóng nực, do đó, để cho dễ thở và bớt mức độ oi ả, ĐứcThánh Cha đã đồng ý bắt đầu nghi lễ sớm hơn một giờ. Vào dự lễ hôm đó, mọi giáo dân VN phải đeo khăn quàng cổ in hình 117 Thánh Tử Đạo, để cho các đoàn thể dễ nhận ra nhau.
  5. Trước khi tường thuật giai đoạn chung kết, chúng tôi xin kể lại đây một sự việc rất quan trọng đối với sự thành công của cuộc đại lễ: Đó là vấn đề tài chánh của Ban Tổ chức. Mỗi lần nhớ đến việc này, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động trước sự quan phòng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Lí do hết sức hiển nhiên là Ban Tổ chức lúc ban đầu hoàn toàn tay không, chưa có ai dâng cúng một đồng nào. Giài quyết vấn đề này là một việc rất khó khăn, nhưng đồng thời lại rất thiết thực và rất cấp bách. Đi vay mượn các hội dòng ngoại quốc đã từng hoạt động bên Việt Nam là điều có thể, nhưng chạm lòng tự ái dân tộc, cho nên chúng tôi đề nghị vay chính Ngân hàng Tòa Thánh. Chúng tôi liều mạng đi thương thuyết và kí giấy giao kèo với nhân viên Ngân hàng vay 50 triệu tiền Ý (tương đương 30 ngàn Mĩ kim). Kí giấy vay tiền mà tay run cậm cập vì đã 3 đêm lo lắng không ngủ!
  • Quả thật, từ ngày cha sinh mẹ đẻ, chúng tôi chưa bao giờ dám táo bạo đến thế. Kí xong, chúng tôi lủi thủi đi ra chưa tới cửa Ngân hàng thì Đức ông De Bonis, người Ý (bây giờ đã làm Giám mục) từ đâu đuổi theo. Đức ông hỏi: "Cha làm gì mà tiêu xài với số tiền lớn như vậy?". Hơi chạm tự ái, chúng tôi ngập ngừng chưa kịp trả lời, thì ngài lại nhấn mạnh: "Cha làm gì? Cha đừng dại lấy tiền ra vội, vì lấy ngày nào cha phải trả tiền lãi ngày đó, mượn 50 triệu ngày 1 đầu tháng thì 30 cuối tháng cha phải trả 53 triệu!".
  • Chúng tôi buộc lòng phải dẹp tự ái thưa: "Dạ, đây không phải tiêu xài cá nhân con, nhưng là để lo chuyện tổ chức Đại lễ Phong Thánh 117 Chân Phúc Tử Đạo mà HĐGMVN đã trao phó cho con, và nay vụ án đã xong, đã được Đức Giáo Hoàng châu phê và tháng 6 sắp tới sẽ cử hành long trọng". Đức Ông de Bonis nói: "Trước, tôi tưởng cha lo việc cá nhân, chứ bây giờ biết là chuyện phong thánh. Vậy cha cứ việc làm, tốn phí bao nhiêu, tôi sẽ chịu cho!". Thật sự, ngài đã cho một số quan trọng.
  • Quả thực là một giấc mơ! Nhưng nếu mơ thì phải mơ ban đêm, chứ đâu có chuyện mơ giữa thanh thiên bạch nhật! Trước đấy ba bốn đêm, chúng tôi không ngủ vì lo sợ, bây giờ cũng ba bốn đêm, chúng tôi không ngủ vì ngỡ ngàng, như còn đang trong ảo mộng. Làm sao có chuyện kì diệu đến thế!
5.1.8 Ngày vinh quang
  • Từ sáng sớm, Quảng trường Thánh Phêrô đã đen nghịt dân chúng. Từ ba quốc gia, từng ngàn giáo dân tập trung về đây. Trước kia, họ không quen biết nhau, nhưng giờ phút này họ chào nhau, bắt tay nhau, vui cười với nhau, vì trong thâm tâm họ cùng một cảm nghĩ: tự hào vì tấm gương anh dũng, trung kiên, thành tín của tổ tiên mình.
  • Đúng chương trình, 8 giờ 30, Đức Thánh Cha và đoàn tháp tùng (28 Hồng Y, Giám mục, Linh mục) mặc đại phục màu đỏ đồng tế, từ trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tiến ra quảng trường vĩ đại, giữa muôn vàn tiếng vỗ tay. Đức Gioan Phaolô I I luôn luôn giơ tay chào đón và chúc lành. Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát Kinh Nhập lễ bằng La ngữ. Trước đó, Ca đoàn Tổng hợp VN từ Mĩ qua đã hát bài Ngày Vinh Thắng của Lm. Ngô Duy Linh, rồi trong thánh lễ bài Ca Khúc Trầm Hương của Dao Kim, cuối lễ bài Tiếng Nhạc Oai Hùng của Hải Linh. Những bản nhạc này vang dội hôm ấy ở giữa Thủ đô Giáo Hội có một ý nghĩa đặc biệt, vì được hát bằng tiếng Việt, tiếng nước ta.
  • Một sự kiện kì lạ là thánh lễ đang cử hành đẹp đẽ trang nghiêm thì tự nhiên bầu trời thay đổi. Một vài cơn mây đen nghịt từ đâu kéo tới và mưa bắt đầu nhỏ giọt. Từ trong thánh đường, người ta đã khiêng lọng ra để che phủ bàn thờ. Cả ngàn con tim, nhất là giáo dân VN, như thể đã bị ngừng đập, tất cả trăm người như một, thầm thĩ kêu van: Lạy Chúa, cả Giáo Hội chúng con, từ ba bốn trăm năm, đã mong chờ ngày hôm nay và mong được trông thấy ngày này huy hoàng trọng thể, xin Chúa cất mọi trở ngại, để danh Chúa được thể hiện nơi các Thánh Tử Đạo chúng con! Quả thật, đám mây đen sau mấy phút đã bị luồng gió thổi đi xa, và trời thanh quang lại xuất hiện như trước.
  • Lễ nghi phong thánh bắt đầu sau Kinh Thương Xót. Đức Hồng Y Palazzini, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với luật sư của Bộ và 3 Cáo thỉnh viên Việt, Pháp, Tây Ban Nha ra trước bàn thờ chính thức xin Đức Thánh Cha cử hành đại lễ. Toàn thể cử tọa, theo lệnh viên chức nghi lễ, đều quỳ hát Kinh Cầu Các Thánh, xin sự trợ giúp của Thần Thánh trên trời trước khi nghe tuyên xưng 117 Vị Thánh mới.
  • Sau đó Đức Hồng Y Palazzini trở lại trước bàn thờ và tuyên đọc:
Kính thưa Đức Thánh Cha, Giáo Hội là Mẹ, xin Đức Thánh Cha ghi tên các vị sau đây:
Chân Phúc Anrê Dũng lạc, Linh mục,
Tôma Thiện và Emmanuelê Phụng, Giáo dân.
Girolamô Hermosilla và Valentinô Berrio – Ochoa, hai Giám mục Đa Minh và 6 Giám mục khác,
Teophan Vénard, Linh mục Hội Thừa Sai Ba Lê, và 105 Bạn Tử Đạo Việt Nam, vào sổ bộ Các Thánh và được các giáo hữu kêu cầu bằng danh xưng Hiển Thánh.
Kính thưa Đức Thánh Cha,
Trên mảnh đất gieo nhiều hạt giống đẫm máu, mảnh đất đó càng phát sinh nhiều Vị Tử Đạo, và rồi hạt giống đó sẽ kết thành mùa lúa vàng cho Giáo Hội. Các Thánh Tử Đạo chết đi càng là chứng nhân cho Chúa Kitô hơn là lúc còn bình sinh. Ngày nay các ngài vẫn còn đang nói, vẫn còn giảng thuyết. Miệng lưỡi tuy im bặt, nhưng bao nhiêu sự việc còn đang vang dội sâu xa.
Lời suy niệm trên đây của Thánh Augustinô áp dụng trong niên lịch phụng vụ Ngày 19 Tháng 6, lễ kính hai Thánh Gervasiô và Protasiô, tử đạo Thành Milan, hôm nay có thể trưng lại vì rất thích hợp với niên hiệu và lễ nghi, để tôn vinh 117 Vị Thánh khác cũng là huynh đệ trong Đức Tin và trong tử nạn: trước đây, suốt thời gian từ 1745 tới 1862, đã hi sinh tính mạng tại Việt Nam trong vùng Đông Nam Á châu, hồi đó gọi là Tonkin, An Nam và Cocincina. Máu của các ngài, cũng như máu của từng ngàn anh chị em khác, hôm nay đã kết thành mùa luá vàng cho Giáo Hội Việt Nam.
Là cha mẹ trong Đức Tin, 8 Vị Giám mục Pháp và Tây ban Nha đã sinh các vị khác trong Chúa Kitô, y như lời Thánh kinh (1Cr.4,15), các vị đã là nhân chứng xứng đáng theo lời mình rao giảng bằng khổ hình, bằng Thập giá, và theo gương Chúa Kitô, vị mục tử tối cao nhân hậu, các ngài thật là gương mẫu cho đoàn chiên (1Ph.5).
50 linh mục, 13 Âu châu, 37 VN, cùng đứng trong hàng ngũ chăn chiên thuyết giảng lời Chúa và cùng chịu xiềng xích lao tù, đã lấy xương máu để hoàn tất nghĩa vụ thi hành các bí tích, đúng là những cộng tác viên của hàng Giám mục (LG, số 28), tức là những người phân phát máu Con Chiên vô tội, cũng là máu đã thánh hoá bản thân các ngài. Sau hết, 59 giáo dân thuộc nhiều tầng lớp xã hội, hầu hết là những gia trưởng, một số là thầy giảng giáo lí, hồi xưa trong các gia đình, trong các cộng đoàn đã sống tốt lành, đã là những chứng nhân cho Bí tích Thanh tẩy bằng nước, bằng Thánh Linh và bằng lửa (Mt.3,11).
Kính thưa Đức Thánh Cha,
Con số 117 vị này sắp được Đức Thánh Cha nghị quyết đưa lên hàng danh dự và được tôn phong phẩm hàm Các Thánh Tử Đạo, được toàn thể Giáo Hội tôn kính. Với các ngài, cũng như với con cháu các ngài, giờ đây văng vẳng dội lại lới Thánh Phêrô khuyên nhủ: Nếu ai trong anh em phải chịu khổ hình, vì mình là Kitô hữu, thì đừng có xấu hổ thẹn thùng, nhưng phải hiên ngang tôn vinh Thiên Chúa vì danh hiệu đó (1Ph.4,16).
Trong quảng trường linh thiêng này, bên cạnh mồ vị Tiên chủ các Thánh Tông đồ đang hiện diện hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam từ khắp năm châu bốn bể tập trung về đây, họ như đang cầm cành thiên tuế ngước mắt nhìn lên các vị đồng hương tiên tổ sắp đón nhận vòng hoa chiến thắng dành cho các vĩ nhân anh tài. Chung quanh họ còn có gần 10 ngàn giáo dân tây Ban Nha và hơn 3 ngàn giáo dân Pháp. Tất cả là anh em kết nghĩa trong Chúa Kitô, cũng như giáo dân hai quốc gia này là anh em của những vị Thừa sai hồi xưa đã mang danh Chúa Giesu có thần lực cứu vớt nhân loại (Cv.4,12) rao giảng trên khắp lãnh thổ xa xăm Việt Nam. Trong số đó, có những người con của Thánh Đa Minh, 34 vị vừa Tây Ban Nha vừa VN hồi xưa đã nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo theo đúng danh xưng của họ. Ngoài ra, còn có 10 thành viên của Hội Thừa Sai Ba Lê.
Trên những địa hạt hồi xưa được trao phó cho hai hội dòng thừa sai nói trên, từ năm 1960 đã thành lập 25 giáo phận. Số người Công Giáo hiện nay xấp xỉ 7 triệu giáo dân. Tất cả cộng đoàn này, trong cũng như ngoài nước, đang tiến bước hùng mạnh, sát cánh bên nhau, họ phấn khởi đi về Tổ quốc trường sinh vĩnh cửu. Là vì họ xác tín vào lời giáo huấn của Thánh Phaolô: Từ nay được cả khối chứng nhân đông đảo như thế nâng đỡ, họ kiên trì chấp nhận cuộc thi đua đã bắt đầu. Từ nay nhìn lên Chúa Giêsu, vị tiên phong ban phát Đức Tin hoàn hảo, thay vì hưởng niềm hoan lạc vẫn có, Ngài đã giang tay ôm lấy Thánh Giá và hiện giờ đang ngự bên hữu Tòa Thiên Chúa (Heb,12,1-2).
Đức Hồng Y vừa đọc xong lời thỉnh nguyện, và Kinh Cầu Các Thánh vừa chấm dứt, toàn thể dân chúng đứng lên hợp ý với Đức Thánh Cha, ngài kết thúc Kinh Cầu Các Thánh bằng lời nguyện: Lậy Chúa nhân từ, xin nghe lời dân Chúa cầu xin và xin chiếu dọi ánh sáng của Thần Linh Chúa vào tâm trí chúng con, để việc phụng thờ cùa chúng con làm đẹp lòng Chúa và cho Giáo Hội được thêm phát triển. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Toàn thể cộng đoàn dân Chúa vẫn đứng nghiêm chỉnh. Đức Thánh Cha lại ngồi trên ngai và long trọng đọc công thức phong thánh:
Để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, để phát huy đức tin Công Giáo và củng cố đời sống Kitô hữu, với quyền lực của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô và của riêng tôi, sau khi đã suy nghĩ chin chắn, cũng như đã nhiều lần cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa, đã tham khảo ý kiến của nhiều Chư huynh Giám mục, tôi quyết định tuyên bố:
Các Chân Phúc: Anrê Dũng Lạc, Linh mục,
Tôma Thiện và Emmanuelê Phụng, Giáo dân,
Girolamô Hermosilla và Valentinô Berriô – Ochoa, hai Giám mục Dòng Đa Minh và 6 Giám mục khác,
Têophan Vénard, linh mục Hội Thừa Sai Ba lê và 105 Bạn Tử Đạo Việt Nam.
là những Vị Thánh và các ngài được liệt kê vào sổ các Thánh. Tôi cũng quyết định rằng giáo hữu trong toàn thể Giáo Hội sốt sắng mừng kính các Ngài như các Thánh Tử Đạo. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Từ trên cao mặt tiền Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, một bức tranh thật lớn, dài 4 thước, rộng 3 thước 20, đã họa đủ số 117 Thánh Tử Đạo, từ từ được mở ra giữa muôn vàn tiếng vỗ tay hò vang. Đại phong cầm của Ca đoàn Sistina cử bài nhạc rộn rã ca ngợi và tri ân Thiên Chúa. Từ Quảng trường Thánh Phêrô, lễ nghi phong thánh được tiếp vận trực tiếp về Việt Nam. Đài Vô tuyến Truyền thanh Truyền hình của Chính phủ Ý, liên tục trong 3 tiếng đồng hồ, đã tường thuật tất cả nghi lễ đi khắp lãnh thổ nước Ý. Nhiều người trong đoàn giáo dân Việt Nam, nhất là các cụ già, đã xúc động và rút khăn lau nước mắt, vì cảm thấy vinh hạnh, sung sướng được là con cháu các vị anh hùng. Trong suốt thời gian lưu lại Roma, Chúa Quan Phòng cũng đã ban ơn lành, gìn giữ hơn 8 ngàn giáo dân Việt Nam, không một ai đau ốm hay bị tai nạn nào; ai cũng tươi cười, vui vẻ và phấn khởi.
5.1.9 Kết
      Phần chúng tôi, trong tư thế Cáo thỉnh viên Vụ Án Phong Thánh, sau khi hồi tưởng lại:
  • Việc được ủy nhiệm làm Cáo thỉnh viên từ ĐHY Giuse Trịnh Văn căn, Chủ tịch HĐGMVN
  • Việc hoàn tất các tài liệu cần thiết và việc chuyển giao mọi tài liệu lên Bộ Phong Thánh với đầy đủ các thủ tục theo Giáo luật,
  • Việc được Cơ Mật Viện bỏ phiếu "Thuận" và việc được Đức Giáo Hoàng, với thẩm quyền tối cao, châu phê,
  • Việc được Chúa Quan Phòng, cuối cùng, đã cho phương tiện tài chánh để trang trải chi phí tổ chức ngày đại lễ,
  • Chúng tôi đi đến kết luận nghiêm chỉnh và thành tín rằng: Thiên Chúa muốn cho các Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam được vinh danh trong thời đại này, chứ không phải thời đại nào khác.
  • Thật vậy, từ trời cao thăm thẳm, từ ngàn ngày xa xưa, cũng như mỗi ngày thường xuyên hiện tại, tấm gương can trường hi sinh của các tiền nhân tử đạo VN ví như những ngọn đèn hải đăng vĩnh viễn, vượt không gian và thời gian, tỏa sáng trên khắp các nẻo đường đất nước Việt Nam.
  • Gương sáng về sự can trường và lòng hi sinh của các tiền nhân Tử Đạo VN đã soi chiếu tới:
  • Các Tòa Giám mục, nơi đây, phần đông các vị chủ chăn, trong một quá khứ chưa xa, đã bị quản thúc tại gia, không có thể đi kinh lí, thăm hỏi các giáo đoàn trong giáo phận của mình. Nhưng các vị đã là những tảng đá sắt kiên cố, dù cho sóng biển có đập mạnh, gầm thét, các ngài vẫn trung kiên bền vững.
  • Các xứ đạo, nơi đây, các linh mục, là những đàn em trong dòng giống Dũng Lạc, Lê bảo Tịnh, đêm ngày vẫn kiên cường trong phận sự phục vụ dân Chúa.
  • Các tu viện, thuộc đủ mọi màu áo và đường lối tu hành (vì thời cuộc, đôi khi phải đã đơn giản hóa tu phục), nhưng tất cả vẫn quyết tâm đóng góp tích cực trong công cuộc truyền giáo và phục vụ đồng bào.
  • Các gia đình Công Giáo, trong khí phách con cháu các Thánh Tử Đạo anh dũng, đã duy trì bàn thờ trong nhà, tối sớm tập họp kinh nguyện, xin ơn kiên trì trong đời sống đức Tin, Cậy, Mến và trở thành những công dân lương thiện. Họ là những người đã lấy tên cácThánh Tử Đạo để đặt cho chính mình, cho con cái mình, với hoài bão là tiếp tục bảo tồn cái nền giáo dục linh thiêng đạo đức và truyền thống cao đẹp của những anh hùng Emmanuel Lê Văn Phụng, những Tôma Trần Văn Thiện, những bà hiền mẫu Lê Thị Thành.
  Roma 1998                   
Nguồn: http://www.vietcatholic.org    

6. Ý nghĩa bức họa Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

  • Đây là bức tranh được trưng bày trong đại lễ suy tôn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày 19-06-1988 tại quảng trường thánh Phêrô tại Roma, do họa sĩ Gordon Faggetter trình bày.
  • Bức tranh lấy cảm hứng từ câu 9 trong đoạn 7 của sách Khải Huyền : "Tôi đã thấy một đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi nước mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng rước ngài Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế". Theo Thánh Gioan, đám người đông đảo tượng trưng cho muôn vàn vị Tử Ðạo trong lịch sử Giáo Hội hoàn vũ đã bỏ mình vì trung kiên với Thiên Chúa, và hiện nay đang vinh hiển trong cõi hoan lạc trường sinh. Còn trong Giáo Hội VN, 117 Thánh Tử Ðạo tượng trưng cho trên dưới 130,000 bạn đồng hành đã anh dũng hy sinh mạng sống trong suốt 261 năm bách hại: từ sắc chỉ cấm đạo đầu tiên năm 1625, cho tới hết thời Văn Thân (1886).
  • Đứng hàng thứ nhất chính giữa hình là sáu vị đứng đầu danh sách 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, được XƯỚNG DANH trong nghi thức SUY TÔN đó là : Linh mục Anrê Dũng Lạc, Thanh niên chủng sinh Tôma Thiện và Cụ Trùm gia trưởng Emmmanuel Lê Văn Phụng, đại diện chính thức cho 96 vị thánh Việt Nam, thuộc ba miền Bắc Trung Nam.
  • Hai giám mục Dòng Đa minh Hermosilla Liêm và Valentino Vinh, đại diện cho 11 thừa sai Tây Ban Nha Dòng Đa minh (6 giám mục – 5 linh mục) và 27 vị khác quốc tịch Việt Nam thuộc gia đình Đaminh, (11 linh mục, 6 thày giảng, 3 linh mục và 7 giáo dân dòng Ba Đaminh)
    Linh mục Théophane Vénard Ven, (áo chùng đen, cổ có ba gạch trắng) đại diện cho 10 thừa sai Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris. (gồm 2 giám mục, 8 linh mục). Cũng ở hàng đầu từ trái qua phải là : Linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh, Hai vị Dòng Đaminh tử đạo tiên khởi trong danh sách 117 là cha Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm là cha Castaneda Gia (quỳ phía trước).
  • Quỳ phía bên phải : Quan Thái bộc Micae Hồ Đình Hy.
    Sau lưng là ba vị gia đình cụ Án Đa minh Phạm Trọng Khảm, với con trai Luca Phạm Trọng Thìn và người em Giuse Phạm Trọng Tả.
  • Riêng thánh nữ Annê Lê Thị Thành cũng đứng ngay gần giữa bức tranh, đại diện duy nhất của nữ giới Giáo hội Việt Nam. Thánh nữ đã 60 tuổi, nhưng họa sĩ đã xin phép được vẽ trẻ hơn một chút tính theo tuổi của Nước trời.
  • Họa sĩ Gordon Faggetter còn chủ tâm vẽ rải rác trong bức họa đủ tám mũ Giám mục, thêm 24 Linh mục triều mặc lễ phục trắng đeo dây stola đỏ, và 7 Thánh Binh trong y phục quân nhân.Dưới chân bức họa là một số dụng cụ gia hình trong các cuộc tử đạo : gông cùm, xiềng xích, dây thừng thắt cổ, roi đòn, kìm kẹp và thanh đao xử trảm.
  • Cụm hoa sen chỉ ý nghĩa trong sáng của cuộc đời 117 vị thánh, theo biểu tượng văn hóa Việt Nam, Sen tượng trưng người quân tử : "Trong đầm gì đẹp bằng sen… gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
  • Phía sau bức tranh là giang sơn gấm vóc của đất Việt, tượng trưng bằng một số KIẾN TRÚC :
            - Chùa Một Cột (Bắc), chùa Thiên Mụ (Trung) và chợ Bến Thành (Nam
            - Và 5 ngôi thánh đường :
  • Chính tòa Sài Gòn: nơi còn bảo toàn hài cốt một số các vị Tử Ðạo miền Nam;
  • La Vang (Huế): chỗ Ðức Mẹ đã hiện ra an ủi đoàn con bị truy nã vì tin theo Chúa Giêsu Kitô (1789);
  • Phát Diệm: ngôi thánh đường duy nhất theo kiến trúc Á Ðông, và là nơi vị linh mục chánh xứ Trần Lục xưa kia đã một thời bị bách hại (1858),và bị đầy trên Lạng Sơn (1859-1860);
  • Bùi Chu: giáo phận đã đóng góp con số tử đạo nhiều nhất (26 vị trong số 117), vì thế mà vẫn là nơi sản xuất dân số Công Giáo đông nhất trong 26 giáo phận Việt Nam
  • Chính tòa Hà Nội: một trong hai giáo phận đầu tiên tại Bắc Việt (1679), là xuất xứ của nhiều vị Tử Ðạo (16 vị, trong đó có Cha Thánh Anrê Dũng Lạc).
Mở rộng đến tận chân trời là biển khơi và cánh đồng lúa, chính là môi trường truyền giáo của các con cháu các vị Anh Hùng. Họ được kêu mời thêm tin tưởng vững bước tiến vào tương lai. Vì từ trên cao, Đức Kitô với một tay mở rộng đón đợi và một tay đang chúc lành, như muốn lập lại lời Ngài xưa : "Trong thế gian anh em sẽ còn phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên, Thày đã thắng thế gian"
(Trích "Uống nước nhớ nguồn" của LM-PX- Đào trung Hiệu)

7. Thống kê các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã làm chứng đức tin Kitô Giáo.
Theo quốc tịch, 117 Thánh Tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:
  • 11 vị gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa minh,
  • 10 vị gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP),
  • 96 vị người Việt Nam: 37 linh mục, 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và 44 giáo dân, trong đó có một thánh nữ là bà Anê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử, các vị này đã hy sinh mạng sống làm chứng cho Tin Mừng trong những đời vua chúa sau đây:
Trong thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 ngàn người Công giáo bị giết vì đạo. Trong 5 năm từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 ngàn tín hữu bị giết vì đạo; khoảng 215 giáo sĩ, tu sĩ Nam nữ cùng khỏang 40 ngàn tín hữu bị bắt và bị tù tội hay bị lưu đày.

8. Danh sách các Thánh tử đạo Việt Nam

  1. Anrê Trần An Dũng Lạc, Sinh năm 1795 tại Bắc Ninh, Linh mục, bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Giáo Hoàng Lêô XIII. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, lễ kính vào ngày 21/12.
  2. Anrê Nguyễn Kim Thông (Năm Thuông), Sinh năm 1790 tại Gò Thị, Bình Ðịnh, Thầy giảng, chết rũ tù ngày 15/07/1855 tại Mỹ Tho dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước  ngày 11/04/1909 do Giáo Hoàng Piô X. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, lễ kính vào ngày 15/07.
  3. Anrê Trần Văn Trông , Sinh năm 1814 tại Kim Long, Huế, Binh Sĩ, bị xử trảm ngày 28/11/1835 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Giáo Hoàng Lêô XIII. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, lễ kính vào ngày 28/11.
  4. Anrê Tường , Sinh tại Ngọc Cục, Xuân Trường, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Giáo Hoàng Piô XII. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, lễ kính vào ngày 16/06.
  5. Antôn Nguyễn Đích, Sinh tại Chi Long, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 12/08/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, lễ kính vào ngày 12/08.
  6. Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) , Sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình, Y sĩ, bị xử giảo ngày 10/07/1840 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, đước phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, lễ kính vào ngày 10/07.
  7.  Anê Lê Thị Thành (Ðệ), Sinh năm 1781 tại Bái Ðền, Thanh Hóa, Giáo dân, chết rũ tù ngày 12/07/1841 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Giáo Hoàng Piô X. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh, lễ kính vào ngày 12/07.
  8. Augustinô Schoefler (Ðông) , Sinh năm 1822 tại Mittelbonn, Nancy, Pháp, Linh mục Thừa sai người Pháp, Hội Thừa Sai Paris, bị xử trảm ngày 1/05/1851 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 1/05. 
  9. Augustinô Phan Viết Huy, Sinh năm 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Binh Sĩ, Giáo dân dòng ba, bị xử lăng trì ngày 12/06/1839 tại Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/06.
  10. Augustinô Nguyễn Văn Mới, Sinh năm 1806 tại Phù Trang, Nam Ðịnh, Giáo dân, dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.
  11. Bênađô Vũ Văn Duệ, Sinh năm 1755 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, Linh mục triều, bị xử trảm ngày 1/08/1838 tại Ba Tòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 1/08.
  12. Clêmentê Inhaxiô Y (Ignatius delgado), Sinh năm 1761 tại Villa Felice, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị chết rũ tù ngày 12/07/1838 (21/6/1838 (âm lịch) tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/07.
  13. Đaminh Cẩm, Sinh tại Cẩm Chương, Bắc Ninh, Linh mục, Dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 11/03/1859 tại Hưng Yên dưới thời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 11/03.
  14. Đaminh Đinh Đạt , Sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Bùi Chu, Binh Sĩ, Giáo dân dòng ba, bị xử giảo ngày 18/07/1839 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/07. 
  15. Đaminh Nguyễn Văn Hạnh (Diệu), Sinh năm 1772 tại Năng A, Nghệ An, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 1/08/1838 tại Ba Tòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 1/08.
  16. Ðaminh Huyên, Sinh tại Ðông Thành, Thái Bìnb, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 5/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 5/06. 
  17. Đaminh Phạm Trọng Khảm , Sinh tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Quan Án, Giáo dân Dòng Ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 13/01/1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 13/01.
  18. Ðaminh Nguyễn Ðức Mạo , Sinh tại Phú Yên, Ngọc Cực, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.
  19. Ðaminh Hà Trọng Mậu , Sinh tại Phú Nhai, Bùi Chu, Linh mục Dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 5/11/1858 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 5/11.
  20. Ðaminh Nguyên , Sinh tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.
  21. Ðaminh Nhi, Sinh tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 16/06/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.
  22. Ðaminh Ninh, Sinh năm 1835 tại Trung Linh, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 2/06/1862 tại An Triêm dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 2/06.
  23. Ðaminh Toại, Sinh tại Ðông Thành, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 5/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 5/06.
  24. Ðaminh Trạch (Ðoài), Sinh năm 1792 tại Ngoại Bồi, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 18/09/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/09. 
  25. Ðaminh Vũ Đình Tước, Sinh năm 1775 tại Trung Lao, Bùi Chu, Linh mục dòng Ða Minh, bị tra tấn đến chết ngày 2/04/1839 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 2/04.
  26. Đaminh Bùi Văn Úy , Sinh năm 1801 tai Tiên Môn, Thái Bình, Thầy giảng dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng,được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.
  27. Ðaminh Nguyễn Văn Xuyên (Ðoàn) , Sinh năm 1786 tại Hưng Lập, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 26/11/1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 26/11.
  28. Ðaminh Minh (Dominicus Henarès) , Sinh năm 1765 tại Baena, Cordova, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, phụ táđịa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 25/06/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngàỵ 25/06.
  29. Emmanuel Lê Văn Phụng, Sinh năm 1796 tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng, Giáo dân, Trùm Họ, bị xử trảm ngày 31/07/1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 31/07.
  30. Emmanuel Nguyễn Văn Triệu , Sinh năm 1756 tại Thợ Ðức, Phú Xuân, Huế, Linh mục, bị xử trảm ngày 17/09/1798 tại Bãi Dâu dưới đời vua Cảnh Thịnh, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 17/09.
  31. Giacôbê Đỗ Mai Năm , Sinh năm 1781 tại Ðông Biên, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 12/08/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/08.
  32. Giêrônimô Liêm (Hieronymus Hermosilla) , Sinh năm 1800 tại S. Domingo de la Calzadar, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 1/11/1861 tại Hải Dương dưới thời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 1/11.  
  33. Gioan Baotixita Cỏn, Sinh năm 1805 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Giáo dân, Lý Trưởng, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.
  34. Gioan Baotixita Đinh Văn Thành, Sinh năm 1796 tại Nộn Khê, Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 28/04/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/04.
  35. Gioan Đạt, Sinh năm 1765 tại Ðồng Chuối, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 28/10/1798 tại Chợ Rạ dưới đời vua Cảnh Thịnh, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/10. 
  36. Gioan Ðoàn Trịnh Hoan, Sinh năm 1798 tại Kim Long, Thừa Thiên, Linh mục, bị xử trảm ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 26/05.
  37. Gioan Hương (Jean Louis Bonnard) , Sinh năm 1824 tại Saint Christo en Jarez, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 1/05/1852 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 1/05. 
  38. Gioan Tân (Jean Charles Cornay), Sinh năm 1809 tại Loudun, Poitiers, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử lăng trì ngày 20/09/1837 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 20/09.
  39. Gioan Ven (Jean Théophane Vénard) , Sinh năm 1829 tại St. Loup-sur-Thouet, Poitiersm, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 2/02/1861 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 2/02.
  40. Gioan Du (Joseph Marchand) , Sinh năm 1803 tại Passavaut, Besancon, Pháp, Linh Mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Ngoài, bị xử hình bá đao ngày 30/11/1835 tại Thợ Ðúc dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 30/11. 
  41. Gioan Đỗ Quang Hiển, Sinh năm 1796 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 9/05/1840 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 9/05.
  42. Giuse Hoàng Lương Cảnh, Sinh năm 1763 tại Làng Ván, Bắc Giang, Giáo dân dòng ba Ða Minh, Trùm Họ, Y Sĩ, xử trảm ngày 5/09/1838 tại Bắc Ninh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 5/09.
  43.  Giuse Hiền (Joseph Fernandez) , Sinh năm 1775 tại Ventosa de la Cueva, Tây Ban Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 24/07/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/07.
  44. Giuse Maria Diaz Sanjurjo An, Sinh năm 1818 tại Santa Eulalia de Suegos, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, bị xử trảm ngày 20/07/1857 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1900 do Ðức Piô XII, lễ kính ngày 20/07.
  45. Giuse Melchor Xuyên (Garcia Sampedro), Sinh năm 18211 tại Cortes Asturias, Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, bị xử lăng trì ngày 28/07/1858 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951, do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 28/07. 
  46. Giuse Nguyễn Duy Khang, Sinh năm 1832 tại Trà Vi, Nam Ðịnh, Thầy giảng dòng ba Ða Minh, bị xử trảm ngày 6/12/1861 tại Hải Dương dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 6/12.
  47. Giuse Nguyễn Văn Lựu, Sinh năm 1790 tại Cái Nhum, Vĩnh Long,Trùm họ, chết rũ tù ngày 2/05/1854 tại Vĩnh Long dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 2/05.
  48. Giuse Nguyễn Đình Nghi, Sinh năm 1793 tại Kẻ Với, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.
  49. Đaminh Phạm Trọng Tả (Cai) , Sinh năm 1796 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Giáo dân, Cai Tổng, bị xử giảo ngày 13/01/1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 13/01. 
  50. Giuse Lê Đăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 24/10. 
  51. Giuse Tuân, Sinh năm 1821 tại Trần Xá, Hưng Yên, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/04/1861 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 30/04.
  52. Giuse Trần Văn Tuấn , Sinh năm 1824 tại Nam Ðiền, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 7/01/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 7/06.
  53. Giuse Túc, Sinh năm 1853 tại Hoàng Xá, Bắc Ninh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 1/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 1/06.
  54. Giuse Nguyễn Đình Uyển, Sinh năm 1775 tại Ninh Cường, Nam Ðịnh, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, chết rũ tù ngày 4/7/1838 tại Hưng Yên dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 4/07.
  55. Giuse Đặng Đình Viên, Sinh năm 1787 tại Tiên Chu, Hưng Yên, Linh mục triều, bị xử trảm ngày 21/8/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/08. 
  56. Henricô Gia (Henricus Castaneda) , Sinh năm 1743 tại Javita, Tây Ban Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 7/11/1773 tại Ðồng Mơ dưới đời Chúa Trịnh Sâm, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 7/11.
  57. Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng, Sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 27/04/1856 tại Ninh Bình dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 27/04.
  58. Lôrensô Ngôn, Sinh tại Lục Thủy, Nam Ðịnh, Giáo dân, bị xử trảm ngày 22/05/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 22/05.
  59.  Luca Vũ Bá Loan, Sinh năm 1756 tại xứ Bái Vàng (Bút Quai), nay thuộc xứ Bút Đông, xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Linh mục bị xử trảm vào ngày 5/06/1840 Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Giáo Hoàng Lêô XIII. Ngày 19/06/1988, Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh và lễ kính vào ngày 5/06
  60. Đaminh Phạm Viết Thìn (Cai) , Sinh năm 1819 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Giáo dân, Cai Tổng, bị xử giảo ngày 13/01/1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 13/01.
  61. Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Ðắc) , Sinh năm 1808 tại Kẻ Lái, Quảng Bình, Trùm họ, bị xử trảm ngày 26/05/1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/
    04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 26/05. 
  62. Matthêu Đậu (Matthaeus Alonso Leciniana) , Sinh năm 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha, Linh Mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.
  63.  Matthêu Lê Văn Gẫm, Sinh năm 1813 tai Gò Công, Biên Hòa, Giáo dân, Thương gia, bị xử trảm ngày 11/05/1847 tại Chợ Ðũi dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 11/05. 
  64. Martinô Tạ Đức Thịnh, Sinh năm 1760 tại Kẻ Sặt, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.
  65. Martinô Thọ, Sinh năm 1787 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Giáo dân, Trùm họ, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.
  66. Micae Hồ Ðình Hy, Sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, Giáo dân, Quan Thái Bộc, bị xử trảm ngày 22/05/1857 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/05.
  67. Micae Nguyễn Huy Mỹ, Sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội, Giáo dân, Lý Trưởng, bị xử trảm ngày 12/08/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/08.
  68. Nicôla Bùi Đức Thể, Sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Bùi Chu, Giáo dân, Binh sĩ, bị lăng trì ngày 12/06/1839 tại Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Leô XIII, lễ kính vào ngày 12/06.
  69.  Phanxicô Đỗ Văn Chiểu, Sinh năm 1797 tại Trung Lễ, Liên Thủy, Nam Ðịnh, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 25/06/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 26/06.
  70. Phanxicô Kính (Francois Isidore Gagelin), Sinh năm 1799 tại Montperreux, Besancon, Pháp, Linh mục Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Trong, bị xử giảo ngày 17/10/1833 tại Bãi Dâu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 17/10.
  71. Phanxicô Phan (Francois Jaccard), Sinh năm 1799 tại Onnion, Annecy, Pháp, Linh mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Ðàng Trong, bị xử giảo ngày 21/09/1838 tại Nhan Biều dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/09.
  72. Phanxicô Tế (Francois Gil de Federich) , Sinh năm 1702 tại Tortosa, Catalunha, Tây Ban Nha, Linh mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.
  73. Phanxicô Trần Văn Trung, Sinh năm 1825 tại Phan Xã, Quảng Trị, Giáo dân, Cai đội, bị xử trảm ngày 6/10/1858 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 6/10. 
  74. Phanxicô Xaviê Cần, Sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, Hà Ðông, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 20/11/1837 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 20/11.
  75. Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, Sinh năm 1794 tại Kẻ Ðiều, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cô Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.
  76. Phaolô Tống Viết Bường, Sinh tại Phủ Cam, Huế, Giáo dân, Quan Thị Vệ, bị xử trảm ngày 23/10/1833 tại Thợ Ðức dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lê ô XIII, lễ kính vào ngày 23/10.
  77. Phaolô Ðổng (Dương), Sinh năm 1802 tại Vực Ðường, Hưng Yên, Giáo dân, Trùm họ, bị xử trảm ngày 3/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 3/06. 
  78. Phaolô Hạnh, Sinh năm 1827 tại Chợ Quán, Giáo dân, bị xử trảm ngày 28/05/1859 tại Nam Việt dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 28/05.
  79. Phaolô Phạm Khắc Khoan, Sinh năm 1771 tại Duyên Mậu, Ninh Bình, Linh mục, bị xử trảm ngày 28/04/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/04.
  80. Phaolô Lê Văn Lộc, Sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 13/02/1859 tại Gia Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 13/02.
  81. Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Sinh năm 1798 tại Kẻ Non, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/12.
  82. Phaolô Nguyễn Ngân, Sinh năm 1790 tại Kẻ Bền, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 8/11/1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 8/11.
  83. Phaolô Lê Bảo Tịnh, Sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hóa, Linh mục, bị xử trảm ngày 6/04/1857 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 6/04.
  84. Phêrô Bắc (Pierre Francois Neron) , Sinh năm 1818 tại Bornay, Saint-Claude, Pháp, Linh mục Hội Thừa sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 3/11/1860 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 3/11.
  85. Phêrô Bình (Petrus Almato) , Sinh năm 1830 tại San Feliz Saserra, Tây Ban Nha, Linh mục dòng Ða Minh, thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 1/11/1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 1/11. 
  86. Phêrô Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie) , Sinh năm 1808 tại Beynat, Tulle, Pháp, Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Tây Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/11.
  87. Phêrô Đinh Văn Dũng, Sinh năm 1800 tại Ðông Hào, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 6/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 6/06.
  88. Phêrô Đa, Sinh tại Ngọc Cục, Xuân Trường, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 17/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 17/06.
  89. Phaolô Nguyễn Văn Đường, Sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/12.
  90. Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, Sinh năm 1777 tại Ðồng Chuối, Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 28/04/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 28/04.
  91. Phêrô Hoàng Khanh, Sinh năm 1780 tại Hòa Duệ, Nghệ An, Linh mục, bị xử trảm ngày 12/07/1842 tại Hà Tĩnh dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 12/07.
  92. Phêrô Võ Ðăng Khoa, Sinh năm 1790 tại Thượng Hải, Nghệ An, Linh mục, bị xử giảo ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/11.
  93. Phêrô Nguyễn Văn Lựu, Sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 7/04/1861 tại Mỹ Tho dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 7/04.
  94. Phêrô Ðoàn Công Quý, Sinh năm 1826 tại Búng, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 31/07/1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909, lễ kính vào ngày 31/07.
  95. Phêrô Đinh Văn Thuần, Sinh năm 1802 tại Ðông Phú, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 6/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 6/06.
  96. Phêrô Trương Văn Thi, Sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/12.
  97. Phêrô Vũ Văn Truật, Sinh năm 1817 tại Kẻ Thiếc, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 18/12/1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 18/12. 
  98. Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Sinh năm 1766 tại Ngọc Ðồng, Hưng Yên, Linh mục triều, bị chết rũ tù ngày 15/07/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 15/07. 
  99. Phêrô Lê Tùy, Sinh năm 1773 tại Bằng Sở, Hà Ðông, Linh mục, bị xử trảm ngày 11/10/1833 tại Quan Ban dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 11/10.
  100. Phêrô Nguyễn Khắc Tự, Sinh năm 1811 tại tại Ninh Bình, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 10/07/1840 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 10/07.
  101. Phêrô Nguyễn Văn Tự, Sinh năm 1796 tại Ninh Cường, Bùi Chu, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 5/09/1838 tại Bắc Ninh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 5/09. 
  102. Phêrô Ðoàn Văn Vân, Sinh năm 1780 tại Kẻ Bói, Hà Nam, Thầy giảng, bị xử trảm ngày 25/05/1857 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 25/05.
  103. Philipphê Phan Văn Minh, Sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, Linh mục, bị xử trảm ngày 3/07/1853 tại Ðình Khao dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 3/07. 
  104. Simon Phan Ðắc Hòa, Sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên, Giáo dân, Y Sĩ, bị xử trảm ngày 12/12/1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 12/12. 
  105. Stêphanô Théodore Cuénot Thể, Sinh năm 1802 tại Belieu, Besancon, Pháp, Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Ðông Ðàng Trong, chết rũ tù ngày 14/11/1861 tại Bình Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 11/04/1909 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 14/11.
  106. Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, Sinh năm 1814 tại Phù Trang, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 25/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.
  107. Tôma Ðinh Viết Dụ, Sinh năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 26/11/1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 26/11.
  108. Tôma Nguyễn Văn Đệ, Sinh năm 1810 tại Bồ Trang, Nam Ðịnh, Giáo dân dòng ba Ða Minh, bị xử giảo ngày 19/12/1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng,được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 19/12.
  109. Tôma Khuông, Sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/01/1860 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 30/01.
  110. Tôma Trần Văn Thiện, Sinh năm 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình, Chủng sinh, bị xử giảo ngày 21/09/1838 tại Nhan Biều dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 21/09. 
  111. Tôma Toán, Sinh năm 1764 tại Cần Phan, Nam Ðịnh, Thầy giảng, dòng ba Ða Minh, bị chết rũ tù ngày 27/07/1840 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 27/06. 
  112. Valentinô Berrio-Ochoa Vinh, Sinh năm 1827 tại Elorrio (Vizcaya), Tây Ban Nha, dòng Ða Minh, Giám mục thừa sai người Tây Ban Nha, địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bịxử trảm ngày 1/11/1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 1/11. 
  113. Vincentê Dương, Sinh tại Doãn Trung, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 6/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 6/06.
  114. Vincentê Nguyễn Thế Ðiểm, Sinh năm 1761 tại Ân Đô, Quảng Trị, Linh mục, bị xử giảo ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/11.
  115. Vincentê Phạm Hiếu Liêm (Lê Quang Liêm) , Sinh năm 1732 tại Trà Lũ, Bùi Chu, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 7/11/1773 tại Ðồng Mơ dưới đời chúa Trịnh Sâm, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 7/11.
  116. Vincentê Tường, Sinh tại Phú Yên, Giáo dân, bị xử ngày 16/6/1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức,được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, lễ kính vào ngày 16/06.
  117. Vincentê Ðỗ Yến, Sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30/06/1838 tại Hải Dương dưới đời vua Minh Mạng, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 30/06.
  118. Chân Phước Anrê Phú Yên, Sinh tại tỉnh Phú Yên năm 1625. Rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị, do chính cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Tử đạo ngày 26/07/1644. Ðược phong Chân Phước ngày 5/03/2000 do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
  119. (Tìm hiểu thêm: Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam) 

Thánh Lễ Kỷ Niệm 25 Năm Phong Thánh Tử Đạo ngày 19 - 6 - 2013

9. Kinh dốc lòng giữ Đạo cho trọn

(Kinh "Bắt Đạo" một tài liệu quý thời kỳ bách hại thế kỷ 19)                                    

Trong chuyến về Qui Nhơn dự ngày lễ khấn và kỷ niệm ngân khánh, kim khánh của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, ngày 21 tháng 8 năm 2010, tôi được linh mục quản lý Giáo phận trao cho cuốn Memorial Mission de Qui Nhơn 1917- 1919 và như thế ngài đã cung cấp cho gần như trọn bộ “Lưu dấu” Địa phận Qui Nhơn.


Khi lật những trang sách, tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì quá khứ lịch sử như hiện lên qua từng con chữ. Câu chuyện của linh mục thừa sai F.M Geffroy MEP về “Con Dần”, cô gái 13 tuổi bị bắt cùng cả gia đình vì đức tin thật là cảm động. Cô bé 13 tuổi ấy đã làm các quan tòa Khánh Hòa lúc đó tức giận đến độ trở thành những tên đao phủ khát máu. Trong khi nhiều người kể cả ông bố của mình chối đạo thì cô bé Bình Cang đó đã kiên vững đến cùng. Nên nhớ vào thời kỳ đó, bị bắt bỏ tù nếu không có người nhà cung cấp thực phẩm là kể như chết đói. Làm sao có thực phẩm khi cha , mẹ, chị cả đếu bị bắt nhốt. Cả gia đình phải ăn xin để sống. Sau hai năm, mẹ và chị cả chịu hết xiết đã chối đạo, rồi đến lượt thân phụ cũng quyết định bước qua thánh giá. Cô bé đau đớn lắm nhưng không thể ngăn cản được. Phần mình, em quyết theo Chúa đến cùng. Qua ba đời quan Đỗ Phước Thịnh, một con người tàn bạo, kế tiếp là quan Phạm Hành, khoan dung hơn nhưng đến Quan án Tường “ ce trọ trẹ de Huế était un véritable tigre’ ( ông quan trọ trẹ người Huế nầy quả là con hùm thật. Lời cha Geoffroy ). Quan đã buộc người cha bước qua Thánh giá mà cô gái nhỏ lại bất khẳng (không chịu chối đạo), Quan Án Trường cho đánh đập tàn nhẫn đến nỗi cô bé ngất đi và được đem về nhà giam mình đầy máu me. Hai ngày sau, dù các vết thương còn tươi rói nhưng em Dần lại bị đưa đến công đường hành hạ tiếp. Cô bé lại bất tỉnh nhân sự và bị lôi ra bỏ ngòai bờ rào vì tưởng chết. Nhưng Sáu Sự, người Phú Yên không chối đạo đã ẳm cố bé vào và cho nằm sấp bất động. Đau đớn nhưng cô bé không hề rên la. Sáu Sự cố gắng đem ra sân gạt dòi bọ trên các vết thương , tắm rửa và 15 ngày sau, cố bé đã chết trong nổi đau đớn tột độ. Câu chuyện khá dài kể thêm kết cục bi thảm của viên quan bất nhân…chết thối tha và xác cũng chìm mất trên biển cùng với của cải vơ vét.

Sự việc nầy xảy ra vào năm 1860, Tự Đức năm thứ 12. Quan án Tường cũng cho chặt đầu bà Bề Trên nhà Phước Mến Thánh Giá Chợ Mới, chú Giuse Hữu, con trai Trùm Ngữ Chợ Mới và cháu ruột của Cậu Bảo. Ông cũng chém đầu sáu giáo dân Bắc Kỳ thuộc khu vực các Giáo sĩ Tây Ban Nha. Các vị bị lưu đày đến vùng đất nầy mà nghe đâu trong số đó có một vị phó tế.

Hai trăm năm trước , vào năm 1665, cô bé Luxia Kỳ, 13 tuổi chết bị voi dày cũng vì đức tin tại Thanh Chiêm đã từng làm sững sờ bao người. Rất tiếc dù được ca tụng nhiều các em vẫn chưa được đưa lên bậc chân phước. Ước mong tấm gương các em sẽ giúp giới trẻ nữ công giáo noi theo, can đảm với thánh giá hằng ngày và sống gương mẫu giữa một thế giới sa đọa.
Hy vọng Giáo xứ Chợ Mới, Giáo phận Nha Trang nơi xác các vị tử đạo được cải táng vẫn còn lưu giữ những thánh tích của các đấng chứng nhân đức tin kể trên.
Điều tôi muốn không chỉ là tuyên dương cái chết của em mà còn ghi lại một kinh rất lạ. Ông Trùm Nên ở Chợ Mới một ngày hỏi em, khi bị đánh, em có đau không. Em nói rằng “ Con cảm thấy đau lắm, nhưng con cố gắng không nghĩ đến chuyện đó nữa. Khi người ta bắt đầu đánh con, thì con cũng bắt đầu đọc kinh bắt đạo và lại đọc lại khi đến cuối kinh, và con chỉ ngừng đọc khi người ta không còn đánh con nữa”.

Kinh bắt đạo là kinh gì?

May mắn thay, linh mục Geoffroy đã cho in kinh bắt đạo nầy vào cuối câu chuyện. Kinh nầy trích từ sách thiên (sách giáo lý công giáo) chũ nôm in tại Gia Hựu năm 1864. Bốn năm sau cái chết của em Dần. Như vậy kinh nầy trước đó đã được giáo hữu xử dụng để cầu nguyện.

Tên gọi bình dân là "kinh bắt đạo" nhưng tên kinh là Kinh dốc lòng giữ đạo cho trọn ( Hễ khi bắt đạo thì hằng ngày ban hôm phải đọc kinh sau nầy).

Lạy Chúa tôi, là Đứng ( Đấng) đã dựng trời đất muôn vật, và sinh ra tôi ở đời nầy mà thờ phượng Chúa, nên chính việc tôi phải làm, là tin cậy yêu mến giữ đạo Chúa cho trọn. Mà bởi tội lỗi tôi, nên Chúa đã lấy lòng thương xót mà cho Ngôi Hai xuống thế làm người chịu nạn chịu chết mà cứu lấy tôi, cho khỏi sa địa ngục vô cùng: mà rày tôi chẳng muốn chịu sự khó, mà báo nghĩa Chúa đã thương tôi ngần ấy sao? Ấy vậy từ nầy về sau, dầu tôi phải chịu bắt trói, gông cùm, tù rạc, lưu giam; dầu phải đày đọa, bỏ cha mẹ vợ con của cải; dầu phải gia hình kiềm khảo, chết dữ đằn độc ác thế nào vì đạo Chúa, thì tôi sẵn lòng mà chịu những sự ấy, và tin thật mỗi hình khổ mà kẻ dữ làm khổ cho tôi bây giờ, sánh chẳng bằng một chút hình khổ xưa Chúa đã chịu vì tôi. Vả lại sự dữ tôi phải chịu bây giờ, thì chóng qua chóng hết, mà phần thưởng Chúa dành cho tôi trên nước Thiên đàng, thì vô cùng vô tận. Vậy tôi xin Chúa ban ơn sức mạnh vững vàng cho tôi, đặng bền lòng từ nầy về sau thà chịu mọi hình khổ , dầu rất dữ thế nào cho đến chết, chẳng thể bỏ đạo Chúa tôi, cho đặng sống tạm đời nầy mà ngày sau phải chịu hình phạt vô cùng trong địa ngục. Amen
Hội An ngày 22 tháng 8 năm 2010.                
Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng (sưu tầm).   

NB : Viết dựa vào Mémorial de Qui Nhơn No 145, 4 Novembre 1917, trang 155-162   

10. Tham khảo

Không có nhận xét nào: